Tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân trong nền ngoại giao Việt Nam
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng về những đóng góp của công tác đối ngoại nhân dân vào việc củng cố mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước cũng như đóng góp cho phong trào nhân dân khu vực và quốc tế, bảo vệ lợi ích, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị |
Phóng viên (PV): Năm 2014 được đánh giá là năm thành công của công tác đối ngoại nhân dân, vậy xin ông cho biết kết quả của hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Có thể nói, trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, khó lường của năm 2014, các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, góp phần vào việc củng cố quan hệ của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, đóng góp cho phong trào nhân dân khu vực và quốc tế, bảo vệ lợi ích, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội toàn quốc Liên hiệp lần thứ V.
Một trong những đóng góp lớn nhất mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, đã làm được là việc đã tranh thủ được các đối tác, các tổ chức bạn bè trên toàn thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Ngay sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động để bày tỏ chính kiến của các tổ chức nhân dân của ta, kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng ủng hộ nhân dân Việt Nam, phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc.
Đáp lại lời kêu gọi đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân, các phong trào hòa bình trên khắp năm châu đã lên tiếng và có những hành động thiết thực, cụ thể ủng hộ quan điểm của nhân dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đơn phương, bạo lực trên Biển Đông. Nội dung về Biển Đông cũng được đưa vào văn kiện của một số diễn đàn nhân dân quốc tế và khu vực.
Trong các hoạt động đối ngoại nhân dân song phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác với các đối tác truyền thống cũng như mở rộng thêm quan hệ với các đối tác mới. Nhiều hoạt động kỷ niệm năm hữu nghị, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước cũng như các hoạt động trao đổi đoàn, hội thảo, tọa đàm, vận động viện trợ… đã được tổ chức và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc trao đổi thông tin hai chiều, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác giữaViệt Nam với các nước trên nhiều lĩnh vực.
Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namvà một số tổ chức thành viên đã phối hợp với các đối tác Trung Quốc tổ chức được nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân có ý nghĩa như Diễn đàn Nhân dân Việt – Trung, trao đổi các đoàn thăm viếng lẫn nhau, tham gia các diễn đàn hợp tác nhân dân Trung Quốc – ASEAN…
Liên hiệp tiếp tục làm đầu mối đối thoại với Mỹ về nhân quyền; đóng góp tích cực trong quá trình chuẩn bị và báo cáo định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namvà các tổ chức thành viên cũng chủ động tiếp cận và thiết lập quan hệ với các chính khách trong Quốc hội và chính quyền các nước, các học giả, nhân sỹ trí thức; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của một số nước nhân các chuyến thăm của họ tới Việt Nam.
Đối với các hoạt động đa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namvà các tổ chức thành viên tiếp tục tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các tổ chức nhân dân đa phương và các mạng lưới như Hội đồng Hòa bình thế giới, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á Phi, mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam – Nam…; phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo tại Việt Nam, thảo luận về những vấn đề liên quan đến hòa bình và phát triển.
Tại các diễn đàn nhân dân khu vực, liên khu vực và thế giới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đóng vai trò nòng cốt phối hợp sự tham gia của các tổ chức nhân dân Việt Nam, đóng góp cho hoạt động chung của các diễn đàn, trao đổi về tình hình Việt Nam, thúc đẩy những vấn đề phù hợp lợi ích của ta cũng như đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, công kích Việt Nam trên các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền.
Cùng với đó, công tác nghiên cứu và thông tin đối ngoại cũng thu được nhiều kết quả tích cực. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namđã chính thức đưa vào hoạt động trang báo Thời Đại điện tử bằng tiếng Trung thu hút được sự quan tâm của nhiều đọc giả.
Năm 2014 cũng là năm Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ: đã thành lập thêm 06 tổ chức thành viên ở trung ương và 02 ở địa phương, nâng tổng số thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namlà 112; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về công tác đối ngoại nhân dân và công tác phi chính phủ nước ngoài cho cán bộ thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namvà các Liên hiệp địa phương.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy việc thực hiện Q uyết định số 41/2013/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp trung ương và địa phương. Kết quả là trong năm qua, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách, điều kiện làm việc của cán bộ chuyên trách của Liên hiệp ở trung ương và một số địa phương đã cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên thì việc triển khai Quyết định 41 ở một số địa phương vẫn còn chậm và chưa thống nhất, trong thời gian tới cần tiếp tục được thúc đẩy.
PV: Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến bất lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài song công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2014 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Vậy theo ông, trong thời gian tới, chúng ta phải làm gì để tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban) và là cơ quan đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, trong năm 2014, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namđã đạt được những kết quả rất tích cực. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tài trợ của nhiều chính phủ, nhà tài trợ; giá trị giải ngân của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm nay vẫn ước đạt 300 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: xóa đói, giảm nghèo và phát triển cộng đồng bền vững, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, viện trợ khẩn cấp… Trên cả nước hiện có 465 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên, tăng thêm 32 tổ chức so với năm 2013.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namsẽt ập trung triển khai Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017, tiếp tục mở rộng quan hệ với các cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài có uy tín và tiềm năng để vận động tài trợ. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Tăng cường củng cố về tổ chức và lực lượng để làm tốt chức năng cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; nâng cao năng lực cho các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đầu mối, đối tác Việt Nam về công tác phi chính phủ nước ngoài.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Namvới vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ chủ trì, phối hợp tăng cường công tác, kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu liên quan đến phi chính phủ nước ngoài; tăng cường triển khai công tác phi chính phủ nước ngoài gắn với mục tiêu chính trị – đối ngoại và gắn kết công tác phi chính phủ nước ngoài với công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị; tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp trung ương – địa phương.
PV: Từ những kết quả đạt được,Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác hòa bình hữu nghị và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển đất nước?
Liên hiệp và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức các hoạt động |
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Từ những kết quả đã đạt được, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu như sau:
Thứ nhất, cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác đối ngoại nhân dân: Trong thời đại của toàn cầu hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại nhân dân là một bộ phận của nền ngoại giao nước nhà; là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị nhằm vận động quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với các giá trị tiến bộ, nhân văn của nhân loại.
Thứ hai, củng cố, phát triển tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp với vai trò là tổ chức chính trị – xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân. Là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp cần được củng cố, phát triển và không ngừng đổi mới để hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn trên nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Việc quan tâm phát triển tổ chức, tăng cường năng lực, đảm bảo điều kiện hoạt động cho Liên hiệp là nhiệm vụ trực tiếp của Liên hiệp, đồng thời là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ ba, cần dựa vào các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế để liên tục duy trì, nuôi dưỡng và củng cố quan hệ đối tác truyền thống; đồng thời thiết lập và phát triển quan hệ đối tác mới nhằm phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác ủng hộ Việt Nam.
Thứ tư, xây dựng lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân: Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, các quan hệ và hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng mở rộng, chủ thể tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng phát triển đa dạng. Do đó, cần củng cố, tăng cường năng lực của các lực lượng tham gia công tác đối ngoại nhân dân, đảm bảo sự phối hợp thống nhất của các tổ chức nhân dân trong hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh việc kết hợp giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện; huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực thi nhiệm vụ và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và đầu tư thỏa đáng cho công tác đối ngoại nhân dân.
PV: Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước và đây cũng là năm được dự báo tình hình quốc tế có những chuyển biến quan trọng. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nhân dân sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào, thưa ông?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Hiện nay, thế giới vẫn đang đối mặt với chiến tranh, chống khủng bố, biến đổi về khí hậu, tranh chấp về lãnh thổ, về biển đảo, dịch bệnh….
Trong bối cảnh đó, những người làm đối ngoại sẽ cố gắng để thực hiện tốt nhất đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, sáng tạo và linh hoạt, chủ động các phương thức hoạt động trên các lĩnh vực để có sự ủng hộ của bạn bè thế giới, tăng cường quan hệ của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, đoàn kết với Việt Nam trong tình hình mới để làm nền tảng cho mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, để thúc đẩy quan hệ về kinh tế, thương mại, văn hóa và các lĩnh vực khác; chủ động thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác, tăng cường hoạt động hữu nghị và hợp tác với nhân dân ASEAN, nhất là trong quá trình hình thành cộng đồng ASEAN trong năm 2015; tích cực tăng cường vận động góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh… Đặc biệt, năm 2015 là năm kỷ niệm 40 năm chiến thắng, thống nhất đất nước, và 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động tri ân bạn bè quốc tế và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm sự kiện này.
Một hoạt động quan trọng là tiếp tục triển khai vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, làm thế nào để bạn bè giúp chúng ta nhiều hơn. Những năm vừa qua, mỗi năm số viện trợ tăng lên 15-20%. Hiện nay, Việt Nam đã vào danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, nhưng còn rất nhiều vấn đề để bạn bè có thể hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và lĩnh vực này chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn nữa.
Cụ thể là trong năm 2015 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tăng cường kết nối các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, đối tác Việt Nam; mở rộng hơn nữa các nhóm đối tượng tài trợ và xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động; chủ động đề xuất, xây dựng các ý tưởng và dự án/ nhóm dự án theo chuyên đề tập trung vào những lĩnh vực và địa bàn mà Việt Nam có ưu tiên; tăng cường hỗ trợ các địa phương, bộ, ngành và đối tác Việt Nam nâng cao năng lực trong công tác phi chính phủ nước ngoài; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về ưu tiên của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhu cầu của các địa phương…
Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai triệt để việc thực hiện Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp. Đổi mới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các tổ chức thành viên trung ương và địa phương theo hướng tăng cường tiếp xúc và làm việc với cơ sở, định kỳ thông tin chỉ đạo, định hướng hoạt động; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cho hoạt động của các tổ chức thành viên.
Hằng năm, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức tổng kết, |
Tăng cường xúc tiến việc thành lập Liên hiệp hoặc tổ chức tương ứng ở địa phương. Tăng cường đào tạo cán bộ làm đối ngoại nhân dân thông qua các chương trình đào tạo tập trung và tại chỗ và xã hội hoá nguồn lực, lực lượng đối ngoại nhân dân. Phát huy vai trò nòng cốt, đầu mối phối hợp với các tổ chức nhân dân khác trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Đất nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập. Tôi nghĩ rằng, làm đối ngoại hôm nay không chỉ là công việc của các chính khách, không phải là của những nhà doanh nghiệp hay những nhà ngoại giao chuyên nghiệp nữa, mà quan hệ quốc tế đã gõ cửa đến từng, gia đình, người dân. Cho nên, làm thế nào để nhân dân chúng ta hiểu biết thêm về những vấn đề đang xảy ra trên thế giới cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột là Cộng đồng An ninh – Chính trị, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. Vậy nhân dân đã chuẩn bị tham gia như thế nào, doanh nghiệp tham gia như thế nào, các lực lượng khác tham gia như thế nào? Hội nhập khu vực đang đặt ra những nhiệm vụ mới. Những cách làm thích hợp để động viên nhân dân trở thành những người tham gia một cách tích cực, chủ động vào quá trình hội nhập của đất nước, cũng là một trong những nhiệm vụ mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đang thực hiện thông qua hệ thống báo chí và truyền thông của mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()