Tiếp tục phát huy mạnh mẽ kết quả hội nhập quốc tế để phục vụ hội nhập kinh tế
Ngày 17/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị tham tán thương mại 2013 về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng chủ trì phiên họp.
Ngày 17/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Phiên họp chung với Hội nghị tham tán thương mại 2013 về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng chủ trì phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh Mạnh Hùng) |
Hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng của đất nước, năm 2013 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI, là giai đoạn nước rút thực hiện các kế hoạch của Đại hội, đất nước đang ra sức thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đồng thời tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại phiên họp chung của Hội nghị ngoại giao lần thứ 27 và hội nghị Tham tán thương mại năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể về nhiệm vụ và định hướng triển khai hội nhập quốc tế. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, công tác hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chuyển biến trong tư duy hội nhập, nhận thức và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đạt được nhiều tiến bộ. Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, trong 2 năm qua, công tác đối ngoại đã có nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia đi đôi với củng cố môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ cho phát triển đất nước.
Ngành ngoại giao đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng nội hàm hội nhập quốc tế của Nghị quyết 22; tăng cường nghiên cứu, tham mưu để củng cố nền tảng lợi ích chiến lược và lâu dài với tất cả các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác tiềm năng và bạn bè truyền thống. Hai năm qua, Việt Nam đã xây dựng thêm quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước và đối tác toàn diện với 2 nước, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ với các đối tác khác.
Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, chủ động thúc đẩy hợp tác xử lý các thách thức an ninh lương thực, nguồn nước, ứng phó với thiên tai trong các khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, hợp tác Mekong và các diễn đàn đa phương khác. Việt Nam đang tích cực triển khai các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tư do đã ký và triển khai thực hiện 8 Hiệp định thương mại tự do, đồng thời đang tham gia đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do mới với tất cả các đối tác then chốt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh p hát biểu tại phiên họp |
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại. Bên cạnh, các thị trường trọng điểm và truyền thống, kinh tế đối ngoại đã phát huy vai trò mở đường vào một số thị trường tiềm năng như Mỹ Latinh, Trung Đông, Bắc Phi nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư, tạo việc làm. Các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh vận động ODA, FDI, xúc tiến thương mại, du lịch và xuất khẩu lao động đi vào chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra bên ngoài bảo vệ lợi ích chính đáng trong tranh chấp thương mại.
Hội nhập quốc tế sâu rộng đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế và mở rộng không gian phát triển của đất nước. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nền kinh tế nước ta về cơ bản đã vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng. Kim ngạch thương mại với các đối tác lớn đều tăng so với các năm trước, bước đầu khắc phục tình trạng nhập siêu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại từ năm 2012; cam kết viện trợ phát triển vẫn được duy trì ở mức cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, dự kiến đạt 7,3 triệu lượt người năm 2013; xuất khẩu lao động ra nước ngoài tiếp tục tăng, trong 11 tháng qua ta đã gửi 78.000 lao động ra nước ngoài. Hai năm qua, Việt Nam đã vận động thêm được 14 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường, Việt Nam cũng kịp thời vận động, đấu tranh chống các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người lao động trong các vụ kiện chống bán pháp giá…
Chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đang đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, đặt yêu cầu cao hơn về tranh thủ thời cơ chiến lược và sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để triển khai hội nhập quốc tế theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 22 đòi hỏi không chỉ đổi mới về tư duy hội nhập và phát triển nâng tầm trí tuệ mà còn cần có bản lĩnh quyết tâm lớn của các cấp, các ngành và địa phương. Trước hết chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế cần sớm được cụ thể hóa bằng chiến lược tổng thể để gắn kết đồng bộ hội nhập trong các lĩnh vực trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm; cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực để tranh thủ tối đa lợi ích từ các mối quan hệ này phục vụ cho an ninh và phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ rõ: Hội nhập kinh tế quốc tế tới đây, đòi hỏi triển khai kinh tế đối ngoại đi vào chiều sâu lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm. Hội nhập quốc tế sâu và toàn diện đặt ra yêu cầu cấp bách về đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, nhất là đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế, tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực để tương thích với luật chơi mới cũng như tranh thủ cơ hội phát triển trong những sân chơi mới. Trên cơ sở kiểm điểm triển khai đường lối đối ngoại nửa nhiệm kỳ qua, tại hội nghị ngoại giao lần này, ngành ngoại giao sẽ cùng với các bộ, ban, ngành xác định rõ hơn nội hàm và lộ trình hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị nhất là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, các Đại sứ, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… phát biểu tham luận về triển khai nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015 trong bối cảnh Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; chủ trương, phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời kỳ tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội..
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công tác đối ngoại, công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại trong 3 năm qua (từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến đất nước, song với sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong 3 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, khắc phục được một bước quan trọng tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên, xuất khẩu tăng mạnh; trong khó khăn vẫn giữ được tổng đầu tư toàn xã hội ở mức khoảng 30% GDP; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Những kết quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh Mạnh Hùng) |
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, tinh thần chung của công tác hội nhập quốc tế, công tác kinh tế đối ngoại là quán triệt, thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tăng cường hòa bình, hữu nghị, gắn lợi ích đất nước với lợi ích chung của khu vực và thế giới; góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ thời cơ để phát triển đất nước, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại trước hết cần đặc biệt coi trọng tới công tác mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả công tác mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hàng dệt may, da giầy,… Đồng thời, tranh thủ các Hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương đã có để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới. Công tác mở rộng thị trường xuất khẩu là một nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ngành ngoại giao tập trung mạnh vào tìm kiếm cơ hội, thu hút FDI; đưa công nghệ mới vào sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… Tiếp tục vận động ODA cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, cho giảm nghèo, cho biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các ngành tiếp tục phát huy mạnh mẽ kết quả hội nhập quốc tế để phục vụ cho hội nhập kinh tế; xây dựng lòng tin; tăng cường tin cậy, sự hiểu biết lẫn nhau với các đối tác; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Theo CPV
Ý kiến ()