Tiếp tục ổn định tỷ giá
Tỷ giá đồng/USD ổn định
Khoảng trung tuần tháng 3-2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%. Ngay sau quyết định này, đồng USD không có nhiều biến động do thị trường đã kỳ vọng việc tăng lãi suất của FED trong phiên họp. NHNN cũng đã chuẩn bị sẵn các kịch bản điều hành trước đó.
Cụ thể, quan sát diễn biến thị trường thời gian qua có thể thấy, trước và sau thời điểm FED nâng lãi suất, tỷ giá đồng/USD trên thị trường trong nước có một số điều chỉnh tăng nhẹ. Nhưng đến những ngày đầu tháng 4, tỷ giá lại được điều chỉnh giảm trở lại.
Theo Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn (Ngân hàng HSBC Việt Nam) Ngô Ðăng Khoa, việc FED tăng lãi suất đã được dự báo từ trước, theo đó có thể cơ quan này sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm. Và về dài hạn, chính sách của FED cũng thể hiện rõ lộ trình tăng lãi suất. Do vậy, đến thời điểm này, HSBC tiếp tục giữ quan điểm dự báo tỷ giá đồng/USD nhìn chung sẽ ổn định, đến cuối năm 2018 tỷ giá đồng/USD sẽ kết thúc ở mức 22.900 đồng/USD. Lý do để tin tưởng tỷ giá đồng/USD ổn định trong năm 2018 là dòng vốn vào nhiều hơn dòng vốn ra và đồng VND đang yếu so với các đồng tiền trong khu vực.
Ngoài ra, thông tin từ NHNN cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 2-1018, dự trữ ngoại hối trong nước ở mức kỷ lục, đạt gần 60 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cùng cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN cũng như khả năng can thiệp tốt hơn nhờ nguồn dự trữ ngoại hối lớn như vậy, tỷ giá trong nước vẫn tiếp tục được duy trì ổn định trước các lần tăng lãi suất tiếp theo của FED.
Tăng dự trữ ngoại hối
Trước mắt, tỷ giá vẫn được đánh giá là khá bình lặng. Nhưng trong dài hạn, một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến rủi ro về lãi suất và tỷ giá vẫn nên sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp. Việc FED tăng lãi suất lần đầu trong năm với bước điều chỉnh nhỏ tuy chưa gây áp lực đối với tỷ giá; nhưng với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong năm 2018 cũng như các năm tiếp theo, tỷ giá đồng/USD có thể sẽ chịu áp lực.
Tại Báo cáo tình hình tài chính – kinh tế hai tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cơ quan này cũng đưa ra dự báo tỷ giá đồng/USD trong năm 2018 sẽ tăng nhẹ ở mức 1,5% đến 2% tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Trong đó, tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư (tính đến ngày 15-2, cán cân thương mại thặng dư 1,6 tỷ USD so với đầu năm); đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá; triển vọng về nguồn vốn gián tiếp FII vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực.
Cũng liên quan nguồn vốn gián tiếp trên thị trường chứng khoán, TS Vũ Viết Ngoạn lại lưu ý nhiều hơn đến yếu tố này, bởi nếu thị trường chứng khoán có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối. Do vậy, vẫn còn có bất trắc nhất là khi dự trữ ngoại hối chưa phải quá dồi dào, quá an toàn. “Tăng dự trữ ngoại hối vẫn là yêu cầu đặt ra để tăng khả năng chống đỡ”, TS Vũ Viết Ngoạn cho biết thêm.
Có thể thấy, mức dự trữ ngoại hối gần 60 tỷ USD tuy chưa phải là quá cao so với các nước trong khu vực, nhưng cũng là sự cải thiện tích cực của Việt Nam so với những năm trước đây. Theo nhiều ý kiến, mức dự trữ ngoại hối tương đương với ba tháng nhập khẩu của Việt Nam cũng là mức đủ lớn trong việc đối phó các cú sốc từ bên ngoài. Và với diễn biến kinh tế vĩ mô ổn định, cùng việc Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, dự kiến nguồn ngoại tệ lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, sẽ tạo điều kiện để NHNN tiếp tục mua thêm ngoại tệ bổ sung dự trữ quốc gia.
Bên cạnh vấn đề dự trữ quốc gia, trong năm 2018, NHNN cần lưu ý những yếu tố có thể tạo áp lực lên điều hành tỷ giá. Trước mắt, là vấn đề xuất nhập khẩu bởi nếu năm 2018 quay trở lại nhập siêu sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Thứ hai, là việc FED điều chỉnh lãi suất. Theo đó, tuy mức độ điều chỉnh không nhiều nhưng số lần điều chỉnh dự kiến tăng so với năm trước cũng sẽ gây khó khăn cho tỷ giá khi giá trị đồng USD tăng cao. Ngoài ra, các cán cân thương mại, cán cân thanh toán cũng cần duy trì ổn định qua nguồn kiều hối, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nợ công phải được kiểm soát để không tạo áp lực tỷ giá. Cuối cùng, là những yếu tố mang tính phi thị trường cũng có tác động mạnh lên tỷ giá cần phải được dự phòng như khủng hoảng về quân sự, chính trị trên thế giới,… Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu |
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()