Tiếp tục nhân rộng
Lớp học VNEN tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc |
Hiệu quả cao hơn
Báo cáo về kết quả mô hình VNEN sau 4 năm thực hiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố khẳng định 4 kết quả nổi bật. Đó là sự nhạy bén của giáo viên trong dạy học tích cực; chất lượng giáo dục được đảm bảo và nâng cao, các kỹ năng của học sinh được hình thành và phát triển như: kỹ năng tổ chức, tự học, tự kiểm tra, đánh giá, mạnh dạn hơn trong giao tiếp; sự tham gia tích cực của phụ huynh học sinh; sự vào cuộc của cộng đồng và xã hội.
Là trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, mô hình VNEN đã có tác động tốt trong việc phát huy hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp, sử dụng và quản lý tài chính… Đó là khẳng định của cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Thái Bình (Đình Lập). Vượt qua những trăn trở ban đầu về khả năng học sinh, về phòng học và về trình độ giáo viên, nhà trường đã có những giải pháp cụ thể trong chuyên môn, tổ chức môi trường học tập, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh. Sau 3 năm thực hiện mô hình, chất lượng giáo dục các lớp VNEN đã mang tính vượt trội: tham gia giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh đạt giải ba toàn đoàn, đạt 3 giải nhì và 1 giải ba cá nhân. Trường Tiểu học 1 xã Thái Bình là 1 trong 2 trường có nhiều học sinh đạt giải cao cấp huyện về tham gia viết chữ đẹp của huyện Đình Lập. Cùng với sự tiến bộ về học tập, học sinh đã mạnh bạo hơn, linh hoạt hơn, khả năng giao tiếp tốt hơn.
Năm học 2012-2013, năm đầu tiên thực hiện VNEN, ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình đã chọn 7 trường với 27 lớp gồm 501 học sinh, trong đó có 6 trường vùng 2 và 1 trường vùng khó khăn. Đến năm học 2015-2016, toàn huyện đã có 16 trường với 109 lớp gồm 2.070 học sinh, chiếm gần 1/3 học sinh tiểu học tham gia. Kết quả đã được khẳng định về nhiều mặt như tiếp thu kiến thức, sự tự tin của học sinh…
Không còn là “thử nghiệm”
Sau 4 năm thực hiện mô hình, đến hết năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã có 152 trường (71 trường nhân rộng toàn phần) với 2.019 lớp – 25.894 học sinh thực hiện VNEN; chiếm tỷ lệ 61% số trường và 44,2% số học sinh. Kết quả giáo dục năm học 2015-2016 của các trường VNEN đều cao hơn kết quả chung của cấp học. Đặc biệt, kết quả các môn như: Toán, Tiếng Việt tăng hơn so với kết quả chung 0,3%; chỉ số về năng lực cao hơn 0,4%, chỉ số về phẩm chất cao hơn 0,2%. Về nguyên nhân, ngành GD&ĐT nhận định: chỉ sau 2 năm thực hiện, giáo viên và học sinh các nhà trường đã quen với phương pháp mới; học sinh được trao đổi, thảo luận nhiều nên mạnh dạn, tự tin và vì vậy, kết quả môn Tiếng Việt được nâng cao…
Tuy mô hình VNEN đã kết thúc vào cuối năm học 2015-2016 và vẫn còn có ý kiến trái chiều, một số tỉnh đã dừng VNEN trong năm học 2016-2017 khiến ít nhiều cán bộ, giáo viên có “tâm tư”. Song, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Với những kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT đã quyết định duy trì và mở rộng mô hình này. Theo đó, năm học 2016-2017 tiếp tục triển khai tại 172 trường (tăng 20 trường) với 36.289 học sinh (tăng 10.395 học sinh) so với năm học trước.
Có sự thuận lợi trong năm học này là Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học sẽ có hiệu lực từ ngày 6/11/2016. Theo đó, sự đánh giá đa dạng hơn: có nhận xét bằng lời, ghi nhận xét và bằng cho điểm… Bộ cũng cho phép cắt giảm một số loại sổ sách không đáng có và như vậy “áp lực” công việc và “gánh nặng sổ sách” đối với giáo viên tiểu học sẽ được kéo giảm.
Về duy trì VNEN ở Lạng Sơn, một số cán bộ giáo dục có kinh nghiệm cũng góp ý rằng, nên mở rộng VNEN đối với vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vì nó sẽ góp phần tăng cường Tiếng Việt, tăng tính bạo dạn, tự tin, tăng kỹ năng sống của học sinh qua công tác tự quản và hoạt động tập thể. Cũng cần xem xét hạn chế VNEN tại các trường khu vực thị trấn, thành phố vì học sinh đông, phòng học chật chội.
Ý kiến ()