Tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định, văn bản pháp quy liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
- Chiều 12/4/2024, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban) tổ chức hội nghị giao ban công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) năm 2024. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN tại Hà Nội tới điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước.
Dự và chỉ đạo cuộc họp có đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương; một số bộ, ngành liên quan...
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Công tác PCPNN tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại có 381 tổ chức PCPNN đang hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Năm 2023, các tổ chức PCPNN và các cơ quan chủ dự án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án đã đăng ký.
Theo đó, tổng giá trị viện trợ là 228,7 triệu USD, tăng 4,9 triệu USD so với năm 2022. Các nguồn viện trợ trải đều trên hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, y tế, giáo dục, môi trường, phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội. Theo đánh giá chung, các tổ chức PCPNN tiếp tục cam kết đồng hành cùng Việt Nam đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy quan hệ đối ngoại nhân dân...
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2023, tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận thêm 3 dự án PCPNN, 1 dự án tài trợ của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và 9 khoản viện trợ phi dự án của các tổ chức PCPNN và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Tổng giá trị viện trợ được phê duyệt tiếp nhận là hơn 282 nghìn USD.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 13 tổ chức có giấy phép còn thời hạn hoạt động, trong đó có 6 tổ chức tài trợ đang có các dự án còn hiệu lực; có 8 dự án viện trợ đang hoạt động với tổng số vốn gần 1,3 triệu USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, y tế, chăn nuôi, tăng cường bình đẳng giới, giảm bạo hành gia đình, cải thiện sinh kế cho đồng bào các vùng khó khăn và các hoạt động từ thiện nhân đạo. Hầu hết các dự án, chương trình có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương và người dân vùng hưởng lợi của dự án. Các dự án được thực hiện hiệu quả, đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của tổ chức đã đăng ký và nội dung cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan liên quan, các tổ chức nhân dân, lãnh đạo các địa phương… đã chia sẻ thông tin về tình hình thực hiện việc đăng ký, quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam; quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại; những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý, vận động viện trợ; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động nguồn vốn từ các tổ chức PCPNN; biện pháp theo dõi quản lý và triển khai thực hiện các dự án, phi dự án thuộc nguồn vốn PCPNN trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác PCPNN và biểu dương các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã nỗ lực trong tổ chức triển khai thực hiện công tác PCPNN năm 2023.
Đồng thời đồng chí cũng nhấn mạnh: thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, có những nhân tố mới tác động đa chiều ảnh hưởng đến các nguồn tài trợ của các tổ chức PCPNN. Vì vậy, các nguồn lực tại trợ sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN yêu cầu: các bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 1/3/2021 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam và Kết luận số 98-KL/TW ngày 22/6/2014 của Ban Bí thư về công tác PCPNN. Các bộ, ngành trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các quy định, văn bản pháp quy liên quan đến công tác PCPNN; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, các ban công tác PCPNN với các địa phương; tăng cường cập nhật, chia sẻ thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu về các tổ chức PCPNN để địa phương có thể theo dõi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến công tác PCPNN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án từ nguồn vốn viện trợ PCPNN; tiếp tục đa dạng hóa hình thức vận động viện trợ từ các tổ chức PCPNN;…
Ý kiến ()