Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật
Sáng 13-8, Chính phủ tiếp tục phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 và định hướng xây dựng dự án Luật Ðầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Sáng 13-8, Chính phủ tiếp tục phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 và định hướng xây dựng dự án Luật Ðầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 19 chương và 165 điều (thêm 4 chương và 29 điều) so với Luật hiện hành, bổ sung những quy định mới và sửa đổi những quy định không phù hợp, không khả thi của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường; bảo đảm kiểm soát ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Theo ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật BVMT (sửa đổi) là hết sức cần thiết, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các nội dung khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BVMT năm 2005; bổ sung một số nội dung mới liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường; coi trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường… Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan việc lập quy hoạch môi trường; đánh giá tác động môi trường; tổ chức BVMT lưu vực sông liên tỉnh; kế hoạch BVMT; BVMT nước sông và các nguồn nước khác; tỷ lệ chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư phát triển BVMT công cộng…
Về định hướng sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết nhằm xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; góp phần ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của tổ chức, cá nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Các thành viên Chính phủ nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự phải là một đạo luật có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt kinh tế – xã hội mà còn về mặt thứ bậc trong hệ thống pháp luật. Những định hướng cơ bản trong việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này tập trung vào những nội dung lớn về vị trí, vai trò, cấu trúc của Bộ luật Dân sự; chủ thể quan hệ pháp luật dân sự; hình thức sở hữu; cơ chế bảo vệ các quyền dân sự…
Thảo luận về định hướng xây dựng Dự án Luật Ðầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN, các thành viên Chính phủ cho rằng, Dự án Luật phải tạo ra một khung pháp lý đầy đủ, cụ thể đối với hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN; phân định rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của chủ sở hữu nhà nước trong hoạt động đầu tư vốn và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của Ðảng về sắp xếp và phát triển DN nhà nước; tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, bảo đảm bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật… Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận vai trò chủ sở hữu nhà nước; “vốn nhà nước” quy định trong luật; quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN; tiền thu lợi nhuận sau thuế của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung các ý kiến đóng góp để xây dựng, sớm hoàn thiện các dự án luật.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()