Ngày 18-6-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 919/CT-TTg Về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Dưới đây là toàn văn bản Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương đã có nhiều cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tham gia vào công tác chỉ đạo và quản lý báo chí, xây dựng chính sách và pháp luật về báo chí, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, giáo dục và nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo – hội viên… góp phần quan trọng để Hội Nhà báo Việt Nam có những đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tập hợp và động viên các nhà báo – hội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng mức về vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cán bộ để Hội Nhà báo các cấp hoạt động theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo… Vì vậy, nhiều cấp Hội Nhà báo còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, biên chế và các điều kiện cần thiết khác, làm hạn chế vai trò của Hội trong việc tập hợp các nhà báo và việc nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của mình, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những việc sau đây:
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới và Chỉ thị số 37-TC/T.Ư (khóa IX), Thông báo kết luận số 221-TB/T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa X), bảo đảm để Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp trong giai đoạn cách mạng mới;
b) Tiếp tục thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí nói chung và hoạt động của Hội Nhà báo nói riêng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nhà báo phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội, các nhà báo – hội viên thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân… theo đúng định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
c) Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tổ chức, biên chế, tài chính và các điều kiện cần thiết khác, đảm bảo cho các cấp Hội Nhà báo hoạt động có hiệu quả thiết thực, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của hội theo quy định của pháp luật;
d) Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thực hiện có kết quả Đề án “Nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam” đã được Ban Bí thư (khóa X) thông qua. Trong đó, chú trọng việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý căn bản, có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động báo chí, nhất là các vấn đề như: kinh tế báo chí, xã hội hóa hoạt động báo chí; liên kết hoạt động báo chí có yếu tố nước ngoài; ngăn ngừa, hạn chế tối đa những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động báo chí;
đ) Chủ động cung cấp thông tin cho các cấp Hội Nhà báo trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng… phù hợp với quy định của Luật pháp để Hội có điều kiện tập hợp, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, động viên các nhà báo-hội viên tham gia tích cực vào việc tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
2. Hội Nhà báo Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho hội viên – nhà báo về kiến thức pháp luật, về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí; trong việc củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội Nhà báo và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về báo chí. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia hằng năm; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết và đánh giá năm năm thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 6-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở T.Ư và địa phương (giai đoạn 2006 – 2010), trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị các sửa đổi, bổ sung cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu quả của việc thực hiện đề án này trong giai đoạn tiếp theo.
3. Các bộ: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (vào quý III-2010) và phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để Hội Nhà báo các cấp hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và đội ngũ người làm báo Việt Nam.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện chỉ thị này. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hội Nhà báo Việt Nam tổng hợp tình hình và định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện chỉ thị này với Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến ()