Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm khoa học “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Đề dẫn buổi tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta rất quan tâm đến việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), coi các TCCSĐ là cấp tổ chức nền tảng, là những đơn vị chiến đấu cơ bản, những tế bào của Đảng; chất lượng của các đảng bộ, chi bộ cơ sở là nhân tố cơ bản tạo nên chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng. TCCSĐ có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự vững mạnh của Đảng. Đây là cấp tổ chức cuối cùng trong hệ thống tổ chức bốn cấp của Đảng ta, là cấp tổ chức sâu rộng nhất, gắn với các đơn vị cơ sở trên toàn lãnh thổ và các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tới từng cơ sở, từng đảng viên...
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm khoa học “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”.
Đề dẫn buổi tọa đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta rất quan tâm đến việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng(TCCSĐ), coi các TCCSĐ là cấp tổ chức nền tảng, là những đơn vị chiến đấu cơ bản, những tế bào của Đảng; chất lượng của các đảng bộ, chi bộ cơ sở là nhân tố cơ bản tạo nên chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng. TCCSĐ có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự vững mạnh của Đảng. Đây là cấp tổ chức cuối cùng trong hệ thống tổ chức bốn cấp của Đảng ta, là cấp tổ chức sâu rộng nhất, gắn với các đơn vị cơ sở trên toàn lãnh thổ và các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tới từng cơ sở, từng đảng viên và từng người dân.
TCCSĐ là nơi trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, đồng thời cũng là nơi kiểm nghiệm và góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng thông qua những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân. TCCSĐ còn là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân, là mắt khâu trọng yếu để duy trì mối liên hệ của Đảng với dân; là tổ chức gần dân nhất, trực tiếp lãnh đạo nhân dân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để phản ánh với Đảng. Dân tin Đảng, theo Đảng hay không là nhờ ở vai trò rất quan trọng, trực tiếp của TCCSĐ, cán bộ đảng viên tại cơ sở.
Đánh giá về công tác xây dựng, hoạt động của TCCSĐ thời gian qua, Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: Việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên đạt được một số kết quả tích cực; chú trọng hơn xây dựng, củng cố TCCSĐ ở những vùng, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn. Chức năng, nhiệm vụ các loại hình TCCSĐ được xác định phù hợp hơn. Công tác phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo. Số lượng đảng viên mới kết nạp hàng năm đều tăng. Bên cạnh đó, Đại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, chậm được khắc phục như: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCCSĐ còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn; tự phê bình và phê bình yếu. Việc xây dựng TCCSĐ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm, vai trò của tổ chức đảng ở đây mờ nhạt.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học tập trung làm rõ hơn những quan điểm, nhận thức mới trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng về vai trò, vị trí, về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ; sự đánh giá, nhận định của Đại hội XI về mặt được, mặt hạn chế, yếu kém trong việc xây dựng TCCSĐ, trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ những năm vừa qua. Đi sâu phân tích thực trạng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số loại hình TCCSĐ, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ.
Các đại biểu cho rằng, cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và kiện toàn TCCSĐ, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, nhất là TCCSĐ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Việc xây dựng các TCCSĐ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị, cơ quan và các đoàn thể quần chúng mạnh; xác định rõ trách nhiệm của chi bộ, tổ đảng và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong công tác, trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng (nhất là trong các doanh nghiệp), nhất thiết phải có quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy với chính quyền, cấp ủy với ban giám đốc, cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, đơn vị; giữa bí thư cấp ủy với người đứng đầu chính quyền các cơ quan, đơn vị.
Các TCCSĐ cần quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương; tăng cường sinh hoạt chuyên đề, đưa nội dung đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt đảng. Các cấp ủy Đảng cần chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên và làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là ở nông thôn, ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra giám sát./.
Theo TTXVN
Ý kiến ()