Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình
1. Tự phê bình và phê bình trong Đảng là hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy và vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, giúp đảng viên và tổ chức Đảng luôn giữ vai trò người chiến sĩ tiên phong, người lãnh đạo…
Bên cạnh đại đa số tổ chức cơ sở Đảng làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, thực tế ở một số tổ chức cơ sở Đảng vẫn còn hiện tượng thực hiện công tác quan trọng này theo kiểu “dĩ hòa vi quý”, qua loa, đại khái, thiếu thực chất. Bằng chứng là việc tổ chức tự phê bình và phê bình trong đánh giá tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm hầu hết có kết quả tốt. Số đảng viên hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ rất nhỏ hoặc không có. Khi những vụ việc tiêu cực bị lôi ra ánh sáng, rất nhiều đảng viên bị xử lý kỷ luật, đã cho thấy thực chất hiệu quả rất thấp trong công tác phê bình và tự phê bình ở một số tổ chức Đảng.
Mới đây nhất, một số cán bộ, đảng viên giữ chức vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy phải ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng. Đây là điều đáng tiếc và giá như tổ chức Đảng thực sự làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, kịp thời phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện sai trái thì có lẽ cán bộ, đảng viên đã không vướng vào sai phạm.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại hiện tượng lợi dụng tự phê bình và phê bình thiếu động cơ trong sáng, nhằm “bới lông tìm vết”, gây mất đoàn kết nội bộ, khiến người bị phê bình cảm giác “bị đánh hội đồng”. Rồi cũng có trường hợp, do phê bình trực tiếp và gián tiếp trong sinh hoạt Đảng không hiệu quả nên đảng viên đã viết đơn thư tố cáo nặc danh, thậm chí chuyển thông tin đi nhiều nơi với động cơ cá nhân.
Thực trạng này cho thấy, vẫn tồn tại không ít “mạch ngầm” lệch lạc trong công tác tự phê bình và phê bình, cần thường xuyên nhận diện để uốn nắn, chấn chỉnh.
2.Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ rõ nguyên nhân chủ quan: “Sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu…, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm”. Thế nên, để tự phê bình và phê bình trong chi bộ, cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng, nhất là chống lạm dụng phê bình vì mục đích cá nhân thực sự hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp.
Một là, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng cần tổ chức tốt việc xây dựng quy chế lãnh đạo chặt chẽ, khoa học, dân chủ; thường xuyên rà soát hệ thống quy chế để hoàn thiện và vận hành theo quy chế ấy triệt để, hiệu quả. Giải pháp này sẽ khắc phục thực tế là nhiều tổ chức Đảng xây dựng hệ thống quy chế đúng yêu cầu, hướng dẫn của cấp trên nhưng vận hành thiếu đồng nhất, thậm chí có tổ chức Đảng không điều chỉnh quy chế khi có thay đổi nhân sự, dẫn tới công tác kiểm tra, giám sát bị lơi lỏng và dễ bị đảng viên có chức quyền biện bạch, đổ lỗi, thao túng.
Hai là, muốn thực hiện tự phê bình và phê bình có kết quả thì cần phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, cần nêu cả ưu điểm và chỉ ra khuyết điểm của mình cũng như đồng chí mình; thực hiện phê bình “việc” chứ không phê bình “người”. Cần phát hiện, chỉ rõ và chấn chỉnh kịp thời những nhận thức sai lệch về mục đích của phê bình, nhất là với những cá nhân cố tình lợi dụng phê bình để nói xấu, “hạ bệ” lẫn nhau hoặc vì lợi ích nhóm.
Ba là, cần tích cực kiểm tra, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động công tác Đảng cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên. Thực tiễn hiện nay nhiều cán bộ, đảng viên được tín nhiệm bầu vào cấp ủy và bầu làm bí thư nhưng chưa có nhiều kiến thức về công tác Đảng. Do làm không bài bản, do kết hợp sinh hoạt Đảng với sinh hoạt nhiệm vụ chuyên môn, do không bóc tách được công tác lãnh đạo khác với công tác tổ chức quản lý, triển khai thực hiện nghị quyết nên năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ hạn chế. Hậu quả là, xây dựng nghị quyết chung chung, duy trì sinh hoạt tự phê bình và phê bình thiếu nền nếp, không triệt để và công tác kiểm tra, giám sát thiếu kiên quyết, ít tác dụng.
Bốn là, cần chấn chỉnh kịp thời, xây dựng thái độ trong tự phê bình và phê bình theo hướng văn hóa, văn minh, tránh lợi dụng phê bình để đạt mục đích cá nhân, đồng thời có cơ chế bảo vệ người mạnh dạn phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ thái độ và phương pháp đúng đắn trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên là khéo dùng cách tự phê bình và phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình là phải tiến hành phê bình và tự phê bình cho đúng, nhằm mục đích “trị bệnh cứu người”. Thực hiện công tác này với thái độ đúng đắn, văn hóa trên tinh thần nói thẳng, nói thật sẽ góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng đối với từng cán bộ, đảng viên.
Ý kiến ()