LSO-Nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban ngành, đoàn thể; cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong công tác giáo dục phổ thông.
|
Phổ biến quy chế thi tốt nghiệp tại trường THCS Hữu Khánh, Lộc color:purple”> Bình Ảnh: Thanh Sơn |
Hiện nay, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục trung học cơ sở (trong đó 220/226 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS). Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất tiếp tục được cải thiện và mở rộng, đặc biệt là các vùng khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội để đẩy mạnh kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.178 phòng học và 685 phòng công vụ được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn được quan tâm đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 73 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 46 trường tiểu học, 26 trường THCS và 1 trường THPT). Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm xây dựng và đào tạo đủ cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Hàng năm, ngành đã mở nhiều lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý và giảng dạy. Do đó, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao (số giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học đạt 95,62%).
Để nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác điều hành, quản lý giáo dục, hơn 95% số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ A tin học đáp ứng công tác đổi mới phương pháp dạy học và tự học. Qua đó, học sinh có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực xã hội khác. Đồng thời, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì, số học sinh lưu ban, học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS, đạt từ 90 – 99%, THPT trên 90%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp luôn được ngành quan tâm, chú trọng. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia đều tăng. Cụ thể, số học sinh lớp 12 đạt giải cấp tỉnh tăng từ 38,35% (năm học 2006 – 2007) lên 42,03% (năm học 2010 – 2011); cấp quốc gia tăng từ 28,85% lên 56,25%. Những thành tích trên đã góp phần nâng cao chất lượng toàn ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác giáo dục phổ thông của tỉnh còn một số hạn chế: số học sinh có học lực khá, giỏi còn thấp so với toàn quốc (năm 2010, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp khá, giỏi của cả nước là 10,02%; Lạng Sơn chỉ đạt 6,14%). Ở một số trường, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn nhiều hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao chất lượng giáo dục của ngành. Mặt khác, do nhiều yếu tố khách quan tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng và điều kiện, môi trường học tập của học sinh.
Do vậy, để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tỉnh ta đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2011- 2015” với những mục tiêu, giải pháp cơ bản như: tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi toàn diện, giảm học sinh yếu, kém; phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có thêm 40 đến 45 trường học đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia nhằm phát triển thể chất và tinh thần cho học sinh; tiến hành đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học sinh ngay từ đầu năm học, từ đó có cơ sở để xây dựng các mục tiêu phấn đấu cho phù hợp. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và đào tạo của tỉnh đề ra.
Ý kiến ()