Tiếp tục mở rộng, nâng cao quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ 25-28/6 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn.
Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, đó không chỉ là láng giềng, mà quan trọng là môi trường đầu tư tại 2 nước đang có nhiều thuận lợi. Do vậy, chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ 25-28/6 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực; trong đó, có hợp tác kinh tế, thương mại.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm 15% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Ngoài ra, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng đó, các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng rau quả, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, xơ, sợi dệt các loại; giày dép các loại; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng thủy sản, sắn và các sản phẩm từ sắn; hàng dệt, may; gạo; dây điện và dây cáp điện; kim loại thường khác và sản phẩm; giấy và các sản phẩm từ giấy; hạt điều; thức ăn gia súc và nguyên liệu; hóa chất; sản phẩm hóa chất; phương tiện vận tải và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sản phẩm từ chất dẻo.
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Trung Quốc bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải các loại; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; sản phẩm từ sắt thép; hóa chất; kim loại thường khác; chất dẻo nguyên liệu; sản phẩm từ kim loại thường khác; dây điện và dây cáp điện; xơ, sợi dệt các loại.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho hay, ngày 16/6 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu theo Nghị định thư qua thị trường Trung Quốc.
Lô hàng sầu riêng của Đồng Nai xuất khẩu gồm 20 container với khoảng 360 tấn gồm giống Dona, Ri6 đã xuất bến chở sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo đại diện tỉnh Đồng Nai, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thiết lập được 140 mã số vùng trồng, 81 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu); trong đó, có 103 mã số vùng trồng (chuối, mít, xoài, thanh long, chôm chôm, sầu riêng) phục vụ thị trường Trung Quốc.
Riêng với sầu riêng, thống kê tới nay toàn tỉnh hiện có tổng diện tích trồng sầu riêng trên 11,3 nghìn ha, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước.
Diện tích thu hoạch gần 6,6 nghìn ha và dự kiến sản lượng năm 2023 khoảng 69 nghìn tấn. Đồng Nai cũng là tỉnh tích cực xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đến nay, toàn tỉnh có 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820 ha được cấp mã vùng trồng. Với diện tích và sản lượng này, trong năm 2023, Đồng Nai dự kiến sẽ xuất khẩu 20 nghìn tấn sầu riêng.
Bên cạnh những thuận lợi, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi chỉ ra thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc không hề nhỏ bởi Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Thời gian qua, Việt nam cũng đã từng bước thay đổi và thích nghi nhưng phải thẳng thắn nhận ra rằng, tốc độ còn rất chậm.
Đặc biệt với trái sầu riêng, Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng nhưng sự tăng trưởng quá nóng về quy mô, diện tích vùng trồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hơn nữa, trong bối cảnh một số quốc gia trên thế giới (Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản) áp dụng các lệnh hạn chế thương mại đối với sản phẩm bán dẫn nhằm vào Trung Quốc, về lâu dài có nguy cơ dẫn đến sự phân tách về công nghệ sử dụng trong việc sản xuất các thiết bị điện tử, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng thể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước khác.
Từ thực tế thị trường sở tại, ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ, Quốc vụ Viện Trung Quốc mới ban hành “Ý kiến về thúc đẩy ổn định quy mô và cơ cấu ngoại thương”; trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi “Biện pháp quản lý thương mại cặp chợ biên giới” nhằm tạo môi trường, chính sách đa dạng hóa thương mại cặp chợ biên giới, tăng cường nhập khẩu từ các nước lân cận.
Đối với xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài (Lệnh 248) yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoàn thiện hồ sơ gia hạn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) dẫn đến thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam (nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản) chưa kịp đăng ký gia hạn doanh nghiệp trên Hệ thống CIFER của Hải quan Trung Quốc khiến hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị gián đoạn.
Trước những thách thức đặt ra, đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã đề xuất nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam “tránh khó” để thúc đẩy xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp ngành rau quả có thể nghiên cứu khả năng đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc thuộc lĩnh vực chế biến rau quả, vừa nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu và bắt kịp xu thế thị trường.
Các hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục nắm bắt thông tin diễn biến tình hình trên thế giới để có những dự báo đối với doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hoá, thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm định về an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, đóng gói nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao mẫu mã bao bì phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị, nhằm tránh tình trạng ách tắc, gây ảnh hưởng không tích cực tới chất lượng hàng hoá, nhất là nông sản.
Do đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu xây dựng một trung tâm thông quan tại cửa khẩu nhằm giải quyết nhanh các phát sinh trong vấn đề thông quan giữa hai bên. Mặt khác, liên thông trong thủ tục hành chính giữa hải quan hai nước, từ đó rút ngắn thời gian thông quan, đẩy nhanh dòng lưu chuyển hàng hóa.
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực hiện phương châm “an toàn để xuất khẩu” và “xuất khẩu phải an toàn,” Bộ Công Thương khuyến cáo địa phương vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động theo dõi sát tình hình để điều tiết lượng hàng lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan, tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Mặt khác, triển khai đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 từ khâu nuôi trồng, thu mua, bao gói, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngoài ra, địa phương và doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm kiểm dịch và an toàn thực phẩm.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo nguyên tắc thương mại quốc tế nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhận định, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ và thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-mo-rong-nang-cao-quan-he-thuong-mai-viet-namtrung-quoc/871041.vnp
Ý kiến ()