Tiếp tục kiểm soát chặt CPI
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 9 và bình quân chín tháng qua. Theo đó, CPI tháng 9 tăng 0,54% so tháng trước, tăng 3,34% so cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so tháng 12 năm trước. CPI chín tháng so cùng kỳ năm 2015 cũng đã tăng 2,07%. Như vậy, bình quân mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,34%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng CPI trong chín tháng qua. Ảnh hưởng lớn nhất là từ giá dịch vụ y tế tăng 29,09% do điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1-3-2016), làm tăng CPI chín tháng khoảng 1,09% so cùng kỳ năm trước. Việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trên cả nước đã làm chỉ số giá nhóm giáo dục chín tháng tăng 4,83% và làm CPI tăng 0,28% so cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, một số yếu tố của thị trường cũng đã tác động làm tăng CPI. Trong chín tháng đầu năm, các dịp Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đều kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao, đồng thời giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng theo. Ngoài ra, tính đến ngày 15-9, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh bảy đợt tăng khiến giá xăng dầu quý II tăng 1,1% và quý III tăng 6,5% so quý trước. Thời tiết chín tháng đầu năm khắc nghiệt hơn trước, rét đậm, rét hại vào tháng 2 trên toàn miền bắc đã ảnh hưởng đến giá rau xanh tươi tăng từ 15 đến 20%; khô hạn ở miền trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long cũng tác động đẩy giá lúa gạo trên thị trường.
Mặc dù có rất nhiều yếu tố biến động gây tăng giá, nhưng CPI chín tháng qua vẫn được duy trì ở mức khá ổn định. Nguyên nhân chủ yếu là do có sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ trong công tác kiềm chế lạm phát. Các bộ, ngành đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều hành kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng như lãi suất, tỷ giá linh hoạt, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Thí dụ, dự đoán trước được việc giá dịch vụ giáo dục và nhiên liệu sẽ tăng cao trong tháng 9, Chính phủ đã chủ động chỉ đạo, kéo giãn lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giúp kéo giảm hẳn mức tăng của lạm phát, tránh tình trạng giá tiêu dùng tăng đột ngột, gây sốc cho thị trường và ảnh hưởng đến kế hoạch đề ra. Có thể nói, mức tăng CPI 3,14% của tháng 9 so tháng 12 năm trước cho thấy còn nhiều “dư địa” để chúng ta hoàn thành được mục tiêu đề ra là kiểm soát lạm phát cả năm dưới 5%.
Tuy nhiên, từ đây đến hết năm 2016, vẫn còn rất nhiều yếu tố sẽ gây áp lực tăng CPI. Đó là yêu cầu tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu thế giới hay nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào cuối năm,… Thêm nữa, việc Chính phủ và Quốc hội quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7% cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi các ngành từ nay đến cuối năm phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh,… là yếu tố sẽ gây áp lực không nhỏ làm tăng CPI. Vì vậy, để kiểm soát được lạm phát như mục tiêu đã đề ra, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường; cân nhắc cẩn trọng thời điểm điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI. Ngành công thương cần tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, bảo đảm các cân đối cung cầu thiết yếu, tham gia bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng mua sắm cuối năm để không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Bộ Tài chính cũng phải tăng cường kiểm soát thị trường, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bình ổn giá tại các địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Theo Nhandan
Ý kiến ()