Tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ
Tối 8-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu ý kiến chào mừng tại tiệc chiêu đãi các nhà tư vấn, nhà tài trợ, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế nhân kết thúc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2010.Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua và tại Hội nghị CG năm 2010.Đánh giá cao thành công của Hội nghị CG năm 2010, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị thật sự là một diễn đàn đối thoại cởi mở, thẳng thắn, bổ ích và có ý nghĩa rất thiết thực. Thủ tướng nêu rõ, thành công của Hội nghị tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Cùng với việc hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng...
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam thời gian qua và tại Hội nghị CG năm 2010.
Đánh giá cao thành công của Hội nghị CG năm 2010, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị thật sự là một diễn đàn đối thoại cởi mở, thẳng thắn, bổ ích và có ý nghĩa rất thiết thực. Thủ tướng nêu rõ, thành công của Hội nghị tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Cùng với việc hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng khác, Hội nghị CG lần này đã góp phần làm nên một năm đối ngoại rất thành công của Việt Nam với các đối tác.
Thủ tướng cho biết, trong gần hai thập kỷ qua, cộng đồng các nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, kể cả những lúc nhà tài trợ gặp khó khăn, đã cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam hơn 56 tỷ USD tính từ năm 1993 đến năm 2009, chưa kể số cam kết năm nay, trong đó đã giải ngân được khoảng 30 tỷ (gần 53%). Nguồn vốn này đã được Việt Nam sử dụng có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ của các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) và xóa đói, giảm nghèo.
Thủ tướng chỉ rõ, Chính phủ Việt Nam đang tập trung cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các biện pháp đồng bộ để tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện cạnh tranh. Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn, cộng đồng các nhà tài trợ dành nguồn vốn ODA nhiều hơn nữa cho Việt Nam, tiếp tục đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Định hướng huy động và sử dụng ODA cho những năm tới, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng ODA để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn này, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới của Việt Nam.
* Ngày 8-12, Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Các đối tác phát triển cam kết tài trợ 7,905 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững trong năm 2011 (năm 2010 là hơn 8 tỷ USD).
Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết hơn 2,6 tỷ USD, tiếp đó là Nhật Bản với hơn 1,7 tỷ USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc hơn 411 triệu USD, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hơn 270 triệu USD, Pháp hơn 221 triệu USD… Như vậy, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ kể cả lần này là hơn 64 tỷ USD cam kết, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam.
Các đối tác tài trợ của Việt Nam cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010.
Theo bà V.Qua Qua, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, ngoài những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thể chế, tình hình lạm phát, cán cân thương mại,… Hơn nữa, thời gian tới, việc phát triển lên nước có thu nhập trung bình, lượng viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi khác dành cho Việt Nam sẽ dần bị thu hẹp… Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu của Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, chống lại căn bệnh HIV/AIDS… Do đó, theo bà V.Qua Qua, với việc các nguồn tiền sẽ trở nên 'đắt hơn', ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ phải tính đến sự bền vững về nợ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, theo thông lệ quốc tế, tài trợ vốn ODA được dành nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp. Do vậy, chính sách tài trợ cho Việt Nam đang và sẽ thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn ODA ưu đãi giảm, vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng. Đây là những thách thức trong hợp tác phát triển mà Việt Nam và các đối tác phát triển phải tìm cách vượt qua. Chính phủ cũng đã tính đến bảo đảm an toàn nợ công trong phạm vi an toàn, đồng thời hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật, đặc biệt Nghị định về ODA, thực hiện thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong các dự án cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa nguồn vốn. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, Việt Nam là quốc gia sử dụng tốt ODA và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()