Tiếp tục huy động các lực lượng hỗ trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ
Chiều 26/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, những địa phương bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong các đợt mưa lũ vừa qua.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, riêng đợt mưa lũ đêm ngày 2, rạng sáng 3/8 và đợt mưa lũ 9-12/10 tại 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa đã có 91 người chết và mất tích, trên 356 nhà sập, đổ hoàn toàn, thiệt hại vật chất trên 8.500 tỷ đồng.
Mưa lớn từ 9-12/10 trên diện rộng các tỉnh từ Nghệ An đến các tỉnh Tây Bắc Bộ đã gây ra lũ lớn trên một số hệ thống sông, đặc biệt, lần đầu tiên hồ Hòa Bình phải xả khẩn cấp 8 cửa xả.
Lũ tại sông Hoàng Long-Ninh Bình sông Cầu Chày-Thanh Hóa vượt lũ lịch sử từ 20-30 cm, 252 vị trí đê bị tràn và sự cố, đặc biệt các tuyến đê của Thanh Hóa có nguy cơ cao bị vỡ.
Mưa lũ gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, nhất là huyện Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi, thành phố Hòa Bĩnh, tỉnh Hòa Bình.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai trên cả nước đã làm 245 người chết và mất tích, trên 4.600 nhà bị sập, đổ trôi, trên 102.000 nhà bị hư hỏng trên 50%.
Tổng hợp từ các địa phương thiệt hại vật chất trên 36.500 tỷ đồng (tương đương trên 1,6 tỷ USD).
Cũng theo phân tích của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân của những đợt mưa lũ cường độ mạnh vừa qua là do các tỉnh miền núi phía Bắc địa hình dốc, chia cắt mạnh, địa chất dễ bị sạt lở.
Đáng chú ý, lớp phủ trữ nước của rừng ở một số nơi bị suy giảm; công tác dự báọ mưa mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do cơ sở hạ tầng còn thiếu nên chưa thể dự báo chính xác và phạm vi hẹp.
Ngoài ra, tình trạng gia tăng dân số, đất đai thiếu, thói quen làm nhà gần nơi canh tác hoặc đào mái dốc để làm nhà dễ gây sạt trượt và bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Thủ tướng đầu tư khẩn cấp gia cố, sửa chữa các vị trí đê điều bị sự cố và xung yếu có thể gây vỡ đê tại một số địa phương, nhất là tại Thanh Hóa.
Cơ quan Phòng chống thiên tai phải kiểm tra giám sát việc xây dựng các công trình, dự án, nhà dân đảm bảo an toàn trước lũ quét, sạt lở đất và không làm gia tăng nguy cơ thiên tai.
Cùng với đó là triển khai dự án phòng chống thiên tai khẩn cấp khu vực miền núi bao gồm chống sạt lở khu vực trung tâm kinh tế, chính trị-xã hội, khu tập trung đông dân cư không thể di dời, khai thông vị trí tiềm ân gây nguy cơ lũ quét lớn; lắp đặt thiết bị cảnh báo, thiết bị thông tin… nhất là khu vực Mường La và thị xã Nghĩa Lộ.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mưa lũ gây thiệt hại rất lớn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc vừa qua không chỉ do địa hình các khu vực này phức tạp, chia cắt mà còn bởi yếu tố không lường trước được địa điểm xảy ra lũ ống, lũ quét.
Từ nhận định này, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát toàn diện các địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét để xây dựng kế hoạch tái định cư theo lộ trình theo hướng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó là đánh giá lại chất lượng và có các giải pháp bảo trì, đảm bảo vận hành tốt các hồ đập.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời quan qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và các địa phương đã vào cuộc kịp thời nên hạn chế được tối đa thiệt hại nhưng do mưa lũ diễn ra với cấp độ lớn, cường độ mạnh nên đã gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của hệ thống chính trị tại các địa phương, nhất là sự có mặt của lực lượng Quân đội, Công an cả thời điểm trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, hỗ trợ kịp thời cho người dân, không để người dân bị đói.
“Tinh thần 4 tại chỗ được thực hiện một cách căn bản,” Thủ tướng nhận xét.
Song, Thủ tướng cũng đề nghị cần rút kinh nghiệm sâu sắc tất cả các khâu từ dự báo đến chỉ đạo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai bởi có một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự làm tốt công tác này.
Về những giải pháp trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chăm lo đảm bảo đời sống bình thường cho người dân, đảm bảo an toàn trường học cho con em, không để bà con sống trong cảnh tạm bợ.
Các địa phương phải tiếp tục huy động các lực lượng triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục, nhất là đảm bảo chỗ ở, lương thực, thuốc men cho người dân. Không vì bệnh thành tích mà để người dân thiếu đói, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai các biện pháp như giảm lãi xuất, hoãn nợ, giảm nợ cho người dân vùng thiệt hại mưa lũ; chỉ đạo sát sao hơn nữa vụ lúa Đông Xuân và chủ động lo Tết cho người dân ngay từ thời điểm này.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động cung cấp giống cây trồng cho người dân các vùng bị thiệt hại bởi mưa lũ. Các đơn vị chức năng phải chú ý đảm bảo thông suốt giao thông, điện lực, nhất là các tuyến quốc lộ tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thủ tướng chỉ đạo Ngành Điện hỗ trợ hệ thống điện và hệ thống quan trắc cho các điểm xảy mưa lũ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình phương án sửa chữa các tuyến đê, hồ chứa, đảm bảo an toàn, tránh tình trạng để xảy ra mối mọt mà không biết như vừa qua.
Song song với đó là tiếp tục hoàn thiện quy hoạch dân cư theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành làm việc với các địa phương để xem xét, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại, đề xuất Thủ tướng mức hỗ trợ phù hợp để sớm khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ, ổn định đời sống người dân tại các địa phương.
Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức một Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai vào tháng 12/2017 và giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt các nội dung, căn cứ khoa học để đảm bảo chất lượng hội nghị./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()