Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thuế, kế toán
Hôm qua 21-10 là ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII. Buổi sáng, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Buổi chiều, QH nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định về thuế
Tờ trình về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) của Chính phủ nêu rõ: Sửa đổi luật nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Đồng thời, để khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi còn xuất phát từ yêu cầu nội luật hóa quy định tại các cam kết quốc tế để thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, bảo đảm phù hợp với các Hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH nêu: Một số quy định như Dự thảo luật còn chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung quy định về: Nội dung điều tra, căn cứ tính thuế, mức thuế suất đối với thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ vào Dự thảo luật, nhằm nâng cao tính pháp lý, giúp cho các cơ quan của Chính phủ được giao thực hiện điều tra, áp mức thuế có thêm căn cứ pháp lý. Về thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, một số ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, QH quyết định về các thứ thuế. Do vậy, việc quy định như Dự thảo luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Theo đó, đề nghị: quy định rõ trong Dự thảo Luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế; đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn thì giao Ủy ban TVQH quyết định.
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), Ủy ban TVQH cho biết: Tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, đã chỉ đạo rà soát, cụ thể hóa một số nội dung trong Dự thảo luật như: Quy định về chứng từ điện tử (Điều 17), chữ ký điện tử (khoản 4 Điều 19), cụ thể hơn tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán (khoản 3 Điều 22), bổ sung quy định về đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý (khoản 2 Điều 28), cụ thể hơn quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ (Điều 40). Về báo cáo tài chính nhà nước, có ý kiến đề nghị bổ sung thời hạn báo cáo QH hằng năm. Ủy ban TVQH nhận thấy, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp nghĩa vụ thực hiện của nhiều đối tượng và cũng là vấn đề lần đầu được thực hiện ở từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Ủy ban TVQH đã cho bổ sung quy định: Báo cáo tài chính nhà nước được lập và trình QH, HĐND cùng với thời điểm quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước tại Điều 31 của Dự thảo luật.
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), các đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi những quy định liên quan chứng từ điện tử, giao dịch chứng từ điện tử; thời gian cải cách các thủ tục hành chính trong hoạt động kế toán; rà soát các quy định để tránh trùng lặp nội dung của Luật Phí và Lệ phí. Bên cạnh đó, cần tập trung làm rõ hơn những quy định về các loại hình kế toán, điều kiện hành nghề kế toán để phù hợp với thực tế…
Hoàn thiện các quy định về chất vấn và trả lời chất vấn
Buổi chiều, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng (QNCN, CN, VCQP). Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho biết: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhưng đề nghị trong quá trình xây dựng và chỉnh lý dự án Luật cần quan tâm khắc phục những hạn chế về địa vị pháp lý, chế độ, chính sách, quản lý, sử dụng QNCN, CN, VCQP; đồng thời, phải gắn với yêu cầu đổi mới chế độ quản lý, hệ thống chính sách, cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để nâng cao chất lượng đội ngũ QNCN, CN, VCQP và phù hợp chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; không làm xáo trộn tổ chức, nhân lực, ảnh hưởng đến tư tưởng của QNCN và CN, VCQP, đặc biệt là ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và một số đại biểu cho rằng, tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật Tổ chức QH đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước QH tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban TVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp QH; trong trường hợp cần thiết, QH, Ủy ban TVQH cho trả lời bằng văn bản. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp điều kiện QH, HĐND ở nước ta thì QH, Ủy ban TVQH, HĐND, Thường trực HĐND quyết định thời gian, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Trong trường hợp chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn, đại biểu được chất vấn lại vấn đề tại phiên chất vấn. Một số ý kiến đề nghị, quy định rõ về quy trình chất vấn, trả lời chất vấn và khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời, không ủy quyền cho người khác trả lời.
Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) và một số đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã quy định chi tiết về thời điểm, quy trình, thủ tục. Do vậy, chỉ nên bổ sung vào Dự thảo Luật một số quy định mang tính nguyên tắc về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, còn các vấn đề cụ thể khác sẽ tiếp tục được thực hiện theo Nghị quyết của QH về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII đã thẳng thắn chỉ rõ chín hạn chế cần phải tập trung khắc phục, giải quyết. Báo cáo đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn. Tôi tâm đắc với năm bài học kinh nghiệm đã được nêu rõ trong Báo cáo của Chính phủ, trong đó, những nội dung trọng tâm là phải đánh giá đúng tình hình và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững…
Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai)
Sửa đổi Luật Kế toán để hội nhập quốc tế thuận lợi, trong đó, nên tách biệt hai loại là kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp, vì đối tượng khác nhau. Kế toán nhà nước có mục đích kiểm soát các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách, chấp hành Luật Ngân sách. Kế toán doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp và giúp cơ quan nhà nước kiểm soát về thuế. Do đó, hai đối tượng này không thể ghép chung trong một luật, ít nhất phải có một chương riêng về kế toán nhà nước.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh)
Đến nay, đã sắp xếp được 447 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó, cổ phần hóa được 337 DNNN; thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính chỉ đạt 8.390 tỷ/21.797 tỷ đồng. Về cơ bản, chủ trương cổ phần hóa đã đạt hiệu quả ở mức độ nhất định, các DNNN được cổ phần hóa hoạt động tốt hơn, quản trị tốt hơn, trách nhiệm được nâng lên. Kinh tế nhà nước nếu không chuyển đổi nhanh sẽ tạo ra thị trường không lành mạnh, làm “méo mó” cơ chế kinh tế thị trường vì từ xưa đến nay người ta thường quan niệm kinh tế nhà nước, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước luôn được ưu tiên về vốn, ưu đãi về đất, thuế, thậm chí có doanh nghiệp nhà nước khi bị thất thoát vốn thì lại chuyển vốn, chuyển lỗ, cắt lỗ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc)
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()