Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người. Nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bộ Công an Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo thiết lập hệ thống đầu mối quốc gia triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) ngày 14/11/2019 tại Hà Nội. |
Nỗ lực của Việt Nam được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Nhìn nhận tình hình tội phạm mua bán người liên tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ở Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Chúng ta đã triển khai Chương trình 130/CP (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ) và Luật Phòng, chống mua bán người. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình 130/CP, lồng ghép với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Một loạt các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành nhằm trừng trị nghiêm khắc tội phạm mua bán người, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Những văn bản này phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với các thỏa thuận và công ước mà Việt Nam đã ký kết.
Xác định là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán người, thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương cùng với bộ đội biên phòng và cảnh sát biển đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ; song song với đó là tuần tra, kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới, lập hàng trăm chuyên án, triệt phá nhiều đường dây, băng ổ môi giới, có nghi vấn hành vi mua bán người, lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán; mở các cao điểm trấn áp tội phạm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/8/2020, tổng số tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người là 1.162 tin, 100% đã được xác minh, xử lý. Về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/8/2020, tổng số vụ án về mua bán người được khởi tố là hơn 1.400 vụ với 2.500 bị can.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện 29 vụ/43 đối tượng phạm tội mua bán người; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 56 nạn nhân. Các vụ án về mua bán người đều được Viện Kiểm sát kiểm sát theo quy định, đạt tỉ lệ 100%.
Về hợp tác đa phương, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC. Việt Nam cũng tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự – thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư, đồng thời đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận này, với các giải pháp cụ thể và toàn diện nhằm ngăn ngừa nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế.
Trong hợp tác song phương, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái, Trung Quốc và Anh về phòng, chống mua bán người, trong đó duy trì họp thường niên với cơ quan thực hiện hiệp định, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình ASEAN-ACT do Chính phủ Australia tài trợ. Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên trao đổi về chủ trương, thành tựu của Việt Nam trong phòng chống mua bán người tại Đối thoại nhân quyền với EU, Australia… cũng như các buổi làm việc định kỳ với một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội.
Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được đánh giá là mang tính đột phá, toàn diện…
Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo Bộ LĐTB&XH, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội. Từ năm 2011 đến tháng 6/2020 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cho hơn 7.300 nạn nhân. 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận, được lực lượng chức năng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, thực hiện dịch vụ hỗ trợ học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý… để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Trong công tác truyền thông, giáo dục phòng ngừa, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, đặc biệt là hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7.”
Ban Chỉ đạo 138/CP cũng ban hành các kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan theo từng giai đoạn và hằng năm, được cập nhật, bổ sung số liệu kịp thời.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác phòng, chống mua bán người
Mặc dù đã xây dựng và ban hành được khung pháp lý cơ bản để phòng chống tình trạng buôn bán người, tuy nhiên so với tình hình thực tiễn, vẫn cần phải rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật đồng bộ hơn.
Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP). Ảnh: Hoàng Gíang |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng Chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) cho biết, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc trong công tác phòng chống mua bán người. Tuy nhiên, thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án mua bán người cũng còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Trong vụ án mua bán người phải chứng minh được mục đích của các hành vi: “Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và tiếp nhận” người. Với hành vi “chuyển giao và tiếp nhận” người thì phải chứng minh được mục đích là “để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Nếu được thực hiện trong nước (mua bán trong nước) thì cơ quan điều tra không gặp khó khăn. Nhưng với những trường hợp “chuyển giao và tiếp nhận” được thực hiện ở nước ngoài thì rất khó khăn trong thu thập chứng cứ. Trên thực thế, đa số các hành vi “chuyển giao và tiếp nhận” trong vụ án mua bán người chủ yếu được thực hiện ở nước ngoài.
Với các hành vi “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” người thì phải chứng minh được mục đích “kép” là “để chuyển giao” và “nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Mà hầu hết hành vi “chuyển giao” được thực hiện ở nước ngoài nên mặc dù các đối tượng có hành vi “tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” người trong nước nhưng không xử lý được về tội mua bán người.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra các vụ án mua bán người thường thực hiện là truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chỉ khi người bị hại trốn từ nước ngoài về và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện.
Để việc áp dụng pháp luật thống nhất, thuận lợi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về mua bán người, Đại tá Phạm Long Biên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vướng mắc nêu trên, góp phần đẩy lùi hoạt động của tội phạm mua bán người nói riêng và các loại tội phạm nói chung.
Bên cạnh đó, theo ý kiến giới luật sư, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về phòng, chống mua bán người hầu hết được ban hành đã 5-6 năm, nên nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Đơn cử, theo định nghĩa về “buôn bán người” quy định tại Điều 3 Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc, thì chỉ cần một trong các hành vi vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích bóc lột sẽ cấu thành tội buôn bán người.
Tuy nhiên, theo quy định tại các Điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), để cấu thành tội “mua bán người”, “mua bán người dưới 16 tuổi” cần phải có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người; việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người chỉ cấu thành tội “mua bán người”, “mua bán người dưới 16 tuổi” nếu như nhằm thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người. Như vậy, khái niệm “mua bán người” theo quy định của pháp luật Việt Nam và Nghị định thư nêu trên còn khác biệt dẫn đến khó khăn trong việc xác định nạn nhân trong các vụ án. Nhiều trường hợp phía nước ngoài xem là nạn nhân bị mua bán (theo phán quyết của Tòa án) nhưng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì chưa đủ cơ sở xác định nạn nhân (ví dụ như các trường hợp ngư dân Việt Nam bị phía Thái Lan xem là nạn nhân bị mua bán trên tàu cá).
Bên cạnh đó, việc xác định nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để họ hưởng các chế độ hỗ trợ hiện chưa phù hợp với thực tiễn. Có nhiều người bị hại bị mua bán xảy ra đã lâu, không thể nhớ chính xác sự việc nên không xác định được đối tượng chủ mưu, thực hiện hành vi mua bán, và cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh họ là nạn nhân trong các vụ mua bán người. Hay các đối tượng trong thời gian chờ xác minh là nạn nhân cũng cần được hưởng các chế độ hỗ trợ như nạn nhân và thực tế các cơ quan chức năng đã hỗ trợ như nạn nhân, nhưng khi xác minh họ không đủ điều kiện xác định là nạn nhân, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí đã thực hiện.
Hơn nữa, Luật hiện hành chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trong khi đó, nhiều nạn nhân trở về với những sang chấn về mặt tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp thông tin cho công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển,… hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh, rất cần được hỗ trợ tâm lý. Hay các quy định chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp (1 triệu đồng/người), chưa bảo đảm cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng, các quy định về trình tự, thủ tục nhận hỗ trợ chưa cụ thể, thống nhất…
Vì thế, rất cần rà soát lại các văn bản, quy định sao cho phù hợp, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo và có tính ổn định lâu dài; phân công nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng; tuyên truyền phổ biến pháp luật, thủ đoạn của bọn tội phạm này để nhân dân nâng cao cảnh giác và góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trên tinh thần hoạt động mua bán người là tội ác đối với nhân loại.
Ý kiến ()