Tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED+
Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tổ chức Hội thảo quốc gia “Đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED ở Việt Nam”.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho Báo cáo đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED (giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng) ở Việt Nam. Báo cáo là bản đánh giá toàn diện về mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện REED ở Việt Nam, bao gồm 4 hợp phần: Tổ chức và tham vấn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED ; chuẩn bị xây dựng chiến lược REED ; mức phát thải tham chiếu; hệ thống theo dõi rừng và an toàn.
Đánh giá về mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED ở Việt Nam ở hợp phần tổ chức và tham vấn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED , theo TS. Đinh Đức Thuận (Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp, FCPF) cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam, các thông tin về tổ chức quản lý, cơ chế và chính sách REED ở các cấp đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; chương trình hành động REED đã quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho các Bộ chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội.
Ở tiêu chí cơ chế hợp tác đa ngành và phối hợp liên ngành, REED đã được kết nối với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đề án quản lý phát thải khí nhà kính gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Đồng thời, REED được lồng ghép với kế hoạch hành động của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu, với đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, nông thôn.
Bên cạnh đó, ở tiêu chí tư liệu hóa cách tiếp cận theo dõi rừng, Việt Nam đã và đang tiến hành cải tiến phần mềm theo dõi rừng cấp tỉnh và đang áp dụng thử nghiệm ở một số tỉnh. Cùng với đó, Việt Nam đã xác định được các nguồn không chắc chắn như sai số lấy mẫu, sai số của bản đồ hiện trạng rừng.
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình Việt Nam sẵn sàng thực hiện REED ở Việt Nam khi hệ thống tổ chức REED ở địa phương chưa được hoàn thiện, nhiệm vụ điều phối giữa nhà nước với người dân và các tổ chức xã hội dân sự chưa rõ ràng. Cùng với đó, chưa xây dựng được khung pháp lý liên quan đến quản lý kỹ thuật của REED ; chưa xây dựng được cơ chế điều phối và giám sát kỹ thuật cho cấp tỉnh, huyện và cộng đồng; chưa đề xuất được chương trình nâng cao năng lực giám sát các khía cạnh phi các-bon của REED .
Để khắc phục những bất cập và đạt được yêu cầu đề ra của nhà tài trợ, các đại biểu cho rằng, rất cần tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED . Trong đó, với hợp phần tổ chức và tham vấn sẽ ưu tiên thực hiện xây dựng cơ chế điều phối liên ngành và với các tổ chức xã hội dân sự, lồng ghép kế hoạch REED với các ngành, các địa phương, xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao năng lực REED cho cộng đồng, xây dựng và ban hành cổng thông tin REED . Các nhiệm vụ này cần được hoàn thiện trong giai đoạn 2016-2017.
Với hợp phần mức phát thải tham chiếu sẽ ưu tiên thiết lập mức phát thải tham chiếu quốc gia. Đồng thời, sẽ điều chỉnh NRAP (Chương trình hành động quốc gia về REED ) và xây dựng kế hoạch hành động REED giai đoạn 2016-2020 đối với hợp phần chuẩn bị xây dựng chiến lược REED .
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, Việt Nam về cơ bản đã đạt được những yêu cầu cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED , đồng thời chương trình hành động cho việc sẵn sàng thực hiện REED đã được sự nhất trí của các bên liên quan. Đề nghị hội đồng Quỹ Đối tác các-bon trong Lâm nghiệp phê duyệt báo cáo đánh giá mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REED để Việt Nam có thể bước vào giai đoạn thử nghiệm chi trả giảm phát thải.
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã quan tâm đến sáng kiến REED từ rất sớm. Để chuẩn bị cho việc thực hiện REED , từ tháng 9/2009, Việt Nam đã thành lập mạng lưới REED quốc gia, tháng 1/2011 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về REED và Văn phòng REED Việt Nam. Tại Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 27/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về REED . Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đến nay, cả nước đã có 7 tỉnh ban hành Kế hoạch hành động REED cấp tỉnh là Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Bình, Cà Mau, Thanh Hóa, Lào Cai và Hà Tĩnh. Dự kiến hết năm nay, số tỉnh công bố kế hoạch hành động REED sẽ lên đến 16 tỉnh./. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()