Tiếp tục gỡ khó cho sản xuất
LSO-Trong bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đã bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên khó khăn chưa phải đã hết. Trung tuần tháng 5/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn chỉ đạo về triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Lạng Sơn |
Công ty Cổ phần Lâm sản Thịnh Lộc Shinec là doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn tỉnh về trồng rừng và chế biến gỗ xuất khẩu. Sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có nguồn lực rất dồi dào. Bởi kinh phí đầu tư cho thiết bị, dây chuyền công nghệ là rất lớn. Ông Lê Minh Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: để đảm bảo cho sản xuất, có những cỗ máy Công ty phải đầu tư đến 30 tỷ đồng, nếu không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng thì sẽ rất khó tìm nguồn. Đồng thời không đầu tư được thiết bị, máy móc, công ty cũng phải gạt bớt các đơn đặt hàng, bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong những năm qua, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế vốn luôn là bài toán khó không chỉ riêng đối với công ty. Những tháng đầu năm 2014, khi lượng hàng tồn kho giảm, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi thì nhu cầu về vốn lại càng tăng. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã thành lập rất nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo UBND làm trưởng đoàn đến kiểm tra, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó những vướng mắc như của Công ty Cổ phần Lâm sản Thịnh Lộc Shinec; Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành; Công ty TNHH Hồng Phong… đã từng bước được giải quyết.
Ông Lại Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Lạng Sơn cho biết: được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và tạo điều kiện của Ngân hàng nhà nước tỉnh cũng như các ngân hàng thương mại trên địa bàn, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp thành viên đã tiếp cận được với nguồn vốn dễ dàng hơn và cơ bản giải quyết được khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến tháng 4/2014, toàn tỉnh có 822 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn, tăng 241 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2013. Dư nợ cho vay đối với các loại hình doanh nghiệp là trên 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu, Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: trong những cuộc làm việc của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đều có thành phần tham gia, từ đó đơn vị cũng nắm bắt được những khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp. Từ những năm trước, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và đôn đốc các Ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay…Đồng thời tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Với sự tham mưu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, ngày 16/5/2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 464/UBND-KTTH về triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Theo sso, Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các cấp, ngành hữu quan tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt nhu cầu về vốn, lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. làm đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để triển khai các chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp. Đồng thời các cấp, ngành, các tổ chức tín dụng trên địa bàn và Hiệp hội Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm đánh giá, nhận diện khó khăn của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ.
Tính đến tháng 4/2014, trên địa bàn tỉnh có 1.551 doanh nghiệp, 329 chi nhánh và 82 văn phòng đại diện đăng ký hoạt động thuộc các thành phần kinh tế. Trong đó trên 90% các doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ và vừa. Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp có ý nghĩa rất thiết thực trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là một trong những hành động cụ thể của UBND tỉnh trong hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, Lạng Sơn đạt 5,51 điểm, tăng 1,28 điểm so với kỳ công bố trước. Điểm số thành phần này cao hơn của Đà Nẵng – địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn bứt phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()