Tiếp tục giao tranh ác liệt ở dải Gaza
Ngày 8-10 đánh dấu ngày thứ hai trong cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra giữa tổ chức Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine và Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Tình hình chiến sự diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng khi lực lượng Hezbollah từ miền Nam Lebanon phóng tên lửa vào Israel.
CNN cho hay, giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt một ngày sau khi các chiến binh Hamas tại dải Gaza bất ngờ phóng hàng nghìn quả rocket vào các thành phố Israel và đồng loạt thực hiện tấn công cả trên bộ, trên biển và trên không.
Tính đến chiều 8-10 (giờ Israel), các cuộc tấn công của Hamas khiến hơn 600 người Israel thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương, nhiều người bị lực lượng Hamas bắt giữ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh và cam kết Israel “sẽ đáp trả mạnh mẽ cho ngày đẫm máu này”.
Binh sĩ Israel tuần tra bên ngoài một đồn cảnh sát bị tên lửa của Hamas phá hủy ở Sderot, miền Nam Israel, ngày 8-10. Ảnh: REUTERS |
Tel Aviv đã phát động “Chiến dịch Thanh kiếm sắt”, tấn công nhiều mục tiêu ở dải Gaza. Các cuộc không kích đáp trả dồn dập của IDF ngay trong đêm đầu tiên đã phá hủy nhiều tòa nhà ở thành phố Gaza, trong đó có các văn phòng của lực lượng Hamas, khiến hơn 300 người Palestine thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương.
Tại Gaza-một dải đất hẹp, nơi có khoảng 2,3 triệu người Palestine sinh sống dưới sự phong tỏa của Israel trong 16 năm, người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm đề phòng những ngày chiến tranh sắp tới. Nhiều người tìm cách sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Đây là đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên giữa người Palestine và Israel. Al Jazeera dẫn phát biểu của chỉ huy quân sự Hamas Muhammad Al-Deif gọi cuộc tấn công của Hamas là “Cơn bão Al-Aqsa” nhằm mục đích “bảo vệ nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem” và nhằm “đáp lại tất cả những hành động tàn bạo của Israel đối với người Palestine trong nhiều thập kỷ”.
Đáng lo ngại hơn cả, trong ngày thứ hai của chiến sự, tổ chức Hezbollah ở miền Nam Lebanon cũng thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo binh vào 3 vị trí ở Israel, trong đó có một “địa điểm radar” ở trang trại Shebaa, “một mảnh đất Israel chiếm đóng từ năm 1967 mà Lebanon tuyên bố chủ quyền”, Al Jazeera đưa tin.
Gần như lập tức, Israel một mặt đẩy mạnh các cuộc tấn công vào dải Gaza, một mặt không kích đáp trả và thực hiện tấn công bằng máy bay không người lái vào một cơ sở của lực lượng Hezbollah dọc biên giới phía Bắc Israel. Người phát ngôn của IDF lên tiếng cảnh báo Hezbollah “không nên tham gia vào vấn đề này”, đồng thời tuyên bố Israel sẽ triệu tập hàng chục nghìn quân dự bị để tăng cường sức mạnh chiến đấu.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã mời lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid và lãnh đạo Đảng Thống nhất quốc gia Benny Gantz thảo luận về việc thành lập một chính phủ mở rộng nhằm lãnh đạo Israel vượt qua giai đoạn này, theo The Times of Israel.
Cũng trong ngày 8-10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về tình hình phức tạp tại dải Gaza. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi “tất cả nỗ lực ngoại giao nhằm tránh xung đột lan rộng”.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản ứng trước tình hình căng thẳng ở dải Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Netanyahu và tuyên bố Washington “lên án cuộc tấn công kinh hoàng nhằm vào Israel của những kẻ khủng bố Hamas từ Gaza”, đồng thời cam kết “sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện hỗ trợ thích hợp cho Chính phủ và người dân Israel”.
Saudi Arabia-quốc gia đang đàm phán với Mỹ về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel-cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình “chưa từng có” và kêu gọi “cả hai bên ngừng ngay lập tức leo thang”. Các quốc gia Arab khác cũng kêu gọi các bên “kiềm chế tối đa và bảo vệ tính mạng dân thường”.
AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường và ngăn chặn xung đột leo thang; kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế sớm nối lại các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel để đạt được một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Trung Đông.
Ngày 8-10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel, gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bảo đảm an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, cho đến nay, tình hình công dân Việt Nam, bao gồm cộng đồng người Việt Nam tại Israel, cán bộ đi công tác và khách du lịch Việt Nam vẫn an toàn. Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel theo số điện thoại: 972-50-818-6116 và 972-52-727-4248 / 972-50-994-0889, hoặc tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại: 84 981 84 84 84. |
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tiep-tuc-giao-tranh-ac-liet-o-dai-gaza-746250
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()