Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp, thể hiện thống nhất trong các văn kiện chủ yếu gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đây là kết quả của sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo các quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu thấu đáo cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế, hoàn thiện nhận thức khách quan, khoa học về thời đại ngày nay, thế giới đương đại và các quan hệ quốc tế hiện đại.Trên cơ sở của phương pháp luận duy vật biện chứng, Đại hội XI của Đảng đưa ra cách nhìn nhận đúng đắn đối với thế giới hiện đại. Thế giới ấy không chỉ là một vũ đài đấu tranh, mà trước hết...
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, phù hợp, thể hiện thống nhất trong các văn kiện chủ yếu gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đây là kết quả của sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo các quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu thấu đáo cơ sở thực tiễn trong nước và quốc tế, hoàn thiện nhận thức khách quan, khoa học về thời đại ngày nay, thế giới đương đại và các quan hệ quốc tế hiện đại.
Trên cơ sở của phương pháp luận duy vật biện chứng, Đại hội XI của Đảng đưa ra cách nhìn nhận đúng đắn đối với thế giới hiện đại. Thế giới ấy không chỉ là một vũ đài đấu tranh, mà trước hết và chủ yếu là môi trường tồn tại, hợp tác và cùng phát triển. Thế giới ấy có nhiều chuyển động lớn, diễn ra tận tầng sâu kỹ thuật – công nghệ và hạ tầng kinh tế – vật chất, tác động mạnh mẽ và làm chuyển hóa khó lường mọi quá trình chính trị – xã hội… Thế giới ấy còn chứa đựng nhiều diễn biến mới ở phía trước, không cho phép các lực lượng đương thời sớm đưa ra những nhận định mang tính chủ quan, duy ý chí. Cương lĩnh nêu rõ: 'Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới'. Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh: 'Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường'.
Trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước nhất quán xây dựng một nước Việt Nam: có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Để bảo đảm cho đặc trưng xã hội chủ nghĩa này trở thành hiện thực, Cương lĩnh vạch rõ: 'Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới'. Trong tầm nhìn đến năm 2020, Chiến lược khẳng định đường lối đối ngoại được nêu ra trong Cương lĩnh; đồng thời nhấn mạnh: 'Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh. Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển nhanh, bền vững'.
Là sự tiếp nối của đường lối, chính sách đối nội, đường lối, chính sách đối ngoại cần xử lý thích hợp mối quan hệ giữa ba mục tiêu: an ninh, phát triển và vị thế quốc tế của từng quốc gia trong mỗi thời điểm cụ thể. Đại hội XI đã thành công trong lựa chọn, xác định lô-gích đối với các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại trong năm năm tới. Báo cáo chính trị vạch ra nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngoại giao Việt Nam là: 'giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới'. Trong mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt này, nổi bật lên ưu tiên đối ngoại hàng đầu là góp phần thực hiện thắng lợi lợi ích sống còn của đất nước là phát triển nhanh, bền vững, khắc phục nguy cơ tụt hậu, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau 25 năm đổi mới, các quan hệ quốc tế của Việt Nam đã được đa dạng hóa, đa phương hóa, góp phần xứng đáng vào việc tạo ra thế và lực mới cho đất nước. Ngoại giao chính trị được mở rộng, củng cố; ngoại giao kinh tế năng động, hiệu quả; ngoại giao văn hóa khởi sắc nhanh chóng. Đất nước ta có quan hệ ngoại giao với gần 180 quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn; có quan hệ ổn định với tất cả các tổ chức quốc tế lớn; có quan hệ thương mại với hơn 160 nền kinh tế trên thế giới, hằng năm tạo ra tổng giá trị xuất – nhập khẩu gần 140% GDP, hàng chục tỷ USD đầu tư trực tiếp và viện trợ phát triển; quan hệ đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân đạt quy mô và trình độ phát triển chưa từng có… Tiếp tục đường lối đối ngoại chủ động và tích cực, hội nhập quốc tế, Đại hội XI chú trọng nhấn mạnh chất lượng, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trong tình hình mới: 'Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế'.
Thế giới ngày nay vừa có cơ sở, tiền đề cho xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, đe dọa an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Những nguy cơ đe dọa an ninh rất đa dạng, trong đó, còn nguyên các nguy cơ, quen thuộc: đó là các âm mưu, thủ đoạn chống phá độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng công dân… do các thế lực bên ngoài câu kết với các lực lượng đối lập bên trong gây ra. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều nguy cơ phi truyền thống, rất mới lạ, như: chủ nghĩa khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm tài chính – tiền tệ ảo, di dân quốc tế, thảm họa thiên nhiên, chủ nghĩa cường quyền trong sinh hoạt quốc tế… Trên cơ sở nắm bắt kịp thời những biến động mau lẹ, phức tạp trong đời sống an ninh thế giới, Báo cáo chính trị xác định một trong những nhiệm vụ đối ngoại mới là: 'Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu; sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam'.
Ra đời trong hoàn cảnh cam go của những ngày đầu thành lập nước, đến nay, ngoại giao Việt Nam đã xác lập được một phong cách ngoại giao, mang đậm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một nền ngoại giao 'dĩ bất biến ứng vạn biến', độc lập, tự chủ trên cơ sở chủ động tìm hiểu, nắm bắt thời cuộc, đi trước một bước trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược. Đó là một nền ngoại giao của bản lĩnh và trí tuệ. Để tiếp tục phong cách ngoại giao đó trong bối cảnh mới, Đại hội XI cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của công tác đối ngoại hiện nay là: 'Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp'.
Thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại do Đại hội XI nêu ra là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Trên thực tế, các hoạt động đối ngoại đã và tiếp tục được triển khai đa dạng, phong phú, nhiều ngành, nhiều cấp, trên nhiều lĩnh vực, theo nhiều kênh khác nhau, do nhiều lực lượng tiến hành… Nhu cầu về sự lãnh đạo, quản lý thống nhất được đặt ra cấp thiết nhằm bảo đảm cho toàn bộ mặt trận đối ngoại hướng về mục tiêu chung: đó là góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Về vấn đề này, Báo cáo chính trị nêu rõ: 'Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại'.
Với hệ thống các quan điểm, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại đúng đắn, phù hợp, Đại hội XI đã nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại đó, Đảng và nhân dân Việt Nam không chỉ hoàn thành trọng trách trước quốc gia, dân tộc; mà còn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bởi vậy, đó là sự tiếp nối của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()