Tiếp tục đưa Campuchia phát triển phồn vinh
Ngày 28/6/2021 đánh dấu 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Đất nước và nhân dân Campuchia đã thu được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhân dân Campuchia tin tưởng CPP tiếp tục dẫn dắt đất nước Chùa Tháp phát triển phồn vinh.
Trong chặng đường 70 năm qua, uy tín và vai trò lãnh đạo của CPP ngày càng được nâng cao. Năm 2018, Campuchia tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV và Quốc hội khóa VI, trong đó CPP giành thắng lợi tuyệt đối.
Nhằm giữ vững vị thế và vai trò trên chính trường Campuchia, CPP không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, trong đó tập trung cải cách nội bộ, củng cố đoàn kết, thúc đẩy tinh giản bộ máy quản lý, siết chặt công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của người dân. CPP sát cánh cùng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đề ra các giải pháp phát triển đất nước; triển khai các chính sách an sinh xã hội; tiến hành cải cách kinh tế và hành chính.
Dưới sự dẫn dắt của CPP cùng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đất nước và nhân dân Campuchia đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Campuchia từ một nước có thu nhập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và đang phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong số những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm trong hai mươi năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Thu nhập bình quân đầu người của Campuchia từ 200 USD năm 2000 đã tăng lên 1.679 USD năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống mức dưới 10% trong năm 2019.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Hoàng gia đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch song song với phát triển kinh tế – xã hội. Theo dự báo của một số tổ chức tài chính quốc tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Campuchia năm 2021 sẽ tăng khoảng 4%.
Về đối ngoại, Campuchia tiếp tục thực hiện chính sách trung lập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Campuchia củng cố và phát triển quan hệ với nhiều nước nhằm thu hút đầu tư, viện trợ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Với các thể chế hợp tác đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN) và một số cơ chế hợp tác khu vực khác, Campuchia ngày càng tham gia tích cực, dần nâng cao vị thế và uy tín của mình.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, cùng chung mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước. Giữ vai trò nòng cốt trong quan hệ giữa hai nước chính là mối quan hệ đoàn kết truyền thống, hợp tác toàn diện giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và CPP. Trong những năm qua, dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng về cả chiều rộng, lẫn chiều sâu.
Quan hệ chính trị giữa hai bên được duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác. Trao đổi đoàn các cấp được tăng cường, trong đó, nhiều văn kiện được ký kết làm cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19, hai bên duy trì trao đổi thông qua các kênh linh hoạt, ủng hộ lẫn nhau về cả vật chất lẫn tinh thần.
Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học – kỹ thuật giữa hai nước chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được duy trì. Hai nước phối hợp kiểm soát tốt tuyến biên giới và hoàn thành phần lớn công tác phân giới, cắm mốc. Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục được mở rộng.
Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam tin tưởng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của CPP cùng Chính phủ Hoàng gia Campuchia do Chủ tịch CPP, Thủ tướng Hun Sen đứng đầu, nhân dân Campuchia sẽ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, toàn diện hơn, đưa đất nước Chùa Tháp ngày càng phát triển phồn vinh. Hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ý kiến ()