TIẾP TỤC ĐỐI PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 3
Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, ngày 17 tháng 9 năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ – UBND về việc chỉ đạo tiếp tục đối phó với cơn bão số 03 (Kalmaegi). Nội dung của Công điện như sau :
Đến 7 giờ ngày 17/9/2014, bão số 3 đã suy yếu thành một vùng áp thấp, không còn ảnh hưởng về gió, nhưng mưa vẫn diến biến phức tạp, lượng mưa tại Mẫu Sơn là 262 mm, Bắc Sơn 127 mm, Thất Khê 88 mm; Đình Lập 115 mm, Hữu Lũng 85 mm… Lượng mưa theo dự báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; hiện tượng sạt lở đất đã xẩy ra ở nhiều nơi, có nơi đã thiệt hại về người. Để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh phân công các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN của tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất tại các huyện, thành phố, một số sở, ngành, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra phương án phòng chống lụt, sạt lở đất nhất là phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biễn của mưa, lũ, tăng cường công tác cảnh báo, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết chủ động phòng, chống mưa, lũ và sạt lở đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
3. Triển khai các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn công trình, đặc biệt đối với các công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cao như: Cao Lan, Hua Khao huyện tràng Định; Khuổi Chủ, Bản Cưởm huyện Cao Lộc; Khuôn Pinh huyện Hữu Lũng…. Chủ đầu tư, các Ban quản lý, các nhà thầu đang thi công chủ động di dời lán trại ra khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
4. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, không được chủ quan, tiếp tục sơ tán, di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, chú ý các vùng có nguy cơ cao như hạ lưu các đập có nguy cơ mất an toàn, bờ sông, suối, vách núi… đặc biệt dân cư tập trung ven sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Trung những nơi có nguy cơ sạt lở đất. Cử cán bộ xuống cơ sở, đến các địa điểm, vị trí xung yếu để trực tiếp chỉ đạo các phương án chuẩn bị và ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bố trí lực lượng canh gác, cử người hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, sạt lở, các bến đò… để đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện khi đi qua; chỉ đạo bà con nông dân chủ động phòng tránh thiệt hại do bão, lũ. Triển khai các biện pháp tiêu úng chống ngập úng; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố trong mưa, lũ và sạt lở đất, tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn về người và tài sản khi có mưa, lũ và sạt lở đất; kiên quyết di dời, sơ tán các hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm, trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các huyện, thành phố nắm chắc tình hình diễn biến của mưa lũ để bảo đảm an toàn cho các cháu học sinh đến trường, trường hợp cần thiết thì cho nghỉ học đối với những nơi không an toàn về trường lớp và việc đi lại.
5. Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát hệ thống biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn; các đường dân sinh qua suối; rà soát, bố trí máy móc, phương tiện, vật liệu theo phương châm “4 tại chỗ” để bảo đảm giao thông thông suốt khi lũ xảy ra.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình các huyện, thành phố, Báo Lạng Sơn tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin bằng nhiều hình thức nhất là các hình thức trực quan, đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ về tình hình cơn bão số 3 và diễn biến mưa, sạt lở đất, các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đáng tiếc về sinh mạng người dân do bất cẩn, chủ quan, để mỗi người dân tự biết cách ứng phó và chủ động phòng tránh, bảo vệ mình và cộng đồng khi có lũ, sạt lở đất xảy ra.
7. Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục chỉ đạo kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng chống mưa, lũ và sạt lở đất.
8. Các sở, ban, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các phương án phòng tránh, sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa, lũ, sạt lở đất… có thể xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa và thường xuyên báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lý Vinh Quang
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()