Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận
LSO-Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đánh giá và đề ra phương hướng, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, trong đó có nội dung công tác dân vận của Đảng. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về công tác dân vận, Ban Dân vận các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch... quyết tâm thực hiện tốt và sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh giúp người dân xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng bê tông giao thông nông thôn – Ảnh: HOÀNG HUẤN |
Trong 5 năm qua, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều đổi mới. Các cấp ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án… về công tác dân vận; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Đảng về công tác dân vận theo sự chỉ đạo của Trung ương. Cấp ủy các cấp duy trì chế độ giao ban với các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân để nắm tình hình nhân dân và chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là các vụ việc có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; tiếp tục quan tâm chăm lo củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã có nhiều hoạt động đổi mới nội dung, phương thức, hướng về cơ sở, đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hiệu quả để tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhân dân hăng hái tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn của tỉnh như: phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Thông qua các phong trào, nhiều điển hình về hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng lớp học, xây dựng các công trình phúc lợi, các dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các cơ sở hạ tầng được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, góp phần nâng cao đời sống, ngăn chặn tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.
Tuy nhiên, công tác dân vận của tỉnh trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Việc nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, công tác thông tin, báo cáo về những vấn đề nảy sinh của một số địa phương, cơ sở chưa kịp thời. Công tác tham gia giải quyết một số vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc ở cơ sở, nhất là về dân tộc, tôn giáo, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường… còn lúng túng. Công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, phong cách làm việc, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ còn chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Phương thức hoạt động của một số MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở một số nơi còn mang tính hình thức và hành chính hóa chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở, công tác tập hợp thu hút hội viên, đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra cho các cấp ủy đảng, nhất là hệ thống dân vận các cấp cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc, nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận của Đảng đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, gắn việc tổ chức học tập nghị quyết với triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác dân vận; góp phần tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về dân vận và công tác dân vận… Đồng thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội về công tác dân vận. Tham mưu và phối hợp triển khai thực hiện tốt chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng tham mưu việc xây dựng, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, các văn bản… đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả.
Cùng với đó, tham mưu và phối hợp thực hiện tốt chủ trương tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tổ chức và triển khai có hiệu quả Kết luận 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, phối hợp để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phối hợp với các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng và khiếu nại, tố cáo của công dân. Để nắm được những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, đòi hỏi các cấp chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ công chức phải thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến góp ý, phản ánh của các tầng lớp nhân dân… Trên cơ sở đó trực tiếp gặp nhân dân, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp dân mà tập hợp những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân để phản ánh cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Tăng cường chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết kịp thời đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân như: vấn đề đời sống, việc làm, đền bù giải phóng mặt bằng, đất đai, tham nhũng, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm…
Mặt khác, tăng cường nghiên cứu và nâng cao chất lượng tham mưu về công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 15/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xã hội của từng vùng, từng dân tộc, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng về xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định được hưởng các quyền tự do, dân chủ thực sự, tạo điều kiện phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc.
Phối hợp tham mưu thể chế hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng củng cố và phát huy vai trò của cốt cán, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo. Phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo và tín đồ, chức sắc tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo vì lợi ích cộng đồng.
Đi đôi với đó, triển khai thực hiện tốt Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đến việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội trong việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở.
Quan tâm xây dựng củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp vững mạnh, chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ làm công tác dân vận có trình độ, năng lực, trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc trong giai đoạn mới để đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
GIÁP THỊ BẮC
Ý kiến ()