Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị cấp tỉnh
Ngày 20-11-2015, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Kết luận số 117-KL/TW về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Kết luận nêu rõ, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trường chính trị có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý từ cấp xã đến cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của các địa phương. Đồng thời Kết luận cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục mà nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động của trường. Lãnh đạo một số trường chính trị chưa chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhiều trường chính trị thiếu đồng bộ, nhiều biến động; một bộ phận giảng viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn còn nhiều bất cập với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,...
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan T.Ư có liên quan, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện tốt năm nội dung sau: (1) Quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 184-QĐ/TW (ngày 3-9-2008) của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa X về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. (2) Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh, tăng cường trách nhiệm của người học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện, giữ vững bản chất trường Đảng của địa phương, tăng thêm kiến thức thực tiễn, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tăng cường đội ngũ cộng tác viên, giảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy, nghiên cứu. (3) Các cơ quan T.Ư có liên quan phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. (4) Các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với các trường chính trị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên đủ năng lực; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên của trường chính trị đi thực tế ở cơ sở. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học. (5) Tăng cường công tác thanh tra, khảo thí, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học viên, hoàn thiện công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Ban Bí thư giao Ban Tổ chức T.Ư chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW và xây dựng đề án trình Ban Bí thư ban hành Quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()