Tiếp tục đổi mới công tác phát triển du lịch và chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đoàn chuyên gia UNESCO
- Sáng 7/6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn và BCĐ xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phát triển du lịch tỉnh và BCĐ xây dựng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có ông Trịnh Hải Sơn, Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, BCĐ Phát triển du lịch tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, đề án, dự án về phát triển du lịch của trung ương, của tỉnh; tham mưu tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, mời gọi một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng và nâng cấp; các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo kịp thời, một số sản phẩm du lịch đã khẳng định được thương hiệu… Tổng lượt khách du lịch đến Lạng Sơn trong 6 tháng đầu năm là trên 2,9 triệu lượt, (tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023). Trong đó khách quốc tế đạt 78.000 lượt; khách trong nước đạt trên 2,8 triệu lượt. Tổng doanh thu ước đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng 20,4% so với cùng kỳ 2023).
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, BCĐ xây dựng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn đã chủ động triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ nêu tại Đề án thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, hiện nay CVĐC Lạng Sơn đang tập trung hoàn chỉnh tất cả các hạng mục về hạ tầng tại 4 tuyến tham quan và 38 điểm của CVĐC Lạng Sơn để chuẩn bị đón đoàn chuyên gia UNESCO đến thẩm định. Các cơ quan thành viên BCĐ đã chủ động trong công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các buổi làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế giới thiệu về CVĐC Lạng Sơn; xúc tiến hợp tác trong xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn; tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu lên những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phát triển du lịch và xây dựng CVĐC như: tiến độ xây dựng hạ tầng vùng CVĐC và một số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn chậm; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa đi vào chiều sâu; công tác phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các huyện, thành phố và với các đơn vị doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Cùng đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024 như: hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025 - 2030; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh lĩnh vực du lịch; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến quảng bá CVĐC Lạng Sơn; tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch trong vùng CVĐC; tiếp tục chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác thẩm định của Đoàn chuyên gia UNESCO…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị: Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (cơ quan thường trực của các BCĐ) tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu, hoàn thiện nội dung các báo cáo; đồng thời tích cực phối hợp nghiên cứu tham mưu xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, đề án phát triển sản phẩm du lịch và định vị thương hiệu du lịch tỉnh; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, cũng như đổi mới hoạt động phát triển du lịch tỉnh trên địa bàn.
Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao theo kế hoạch đã đề ra, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ đón đoàn thẩm định của Đoàn chuyên gia UNESCO thời gian tới. Đặc biệt, UBND các huyện, thành phố trong vùng CVĐC cần gấp rút phối hợp hoàn thiện các hạng mục hạ tầng tại các tuyến, điểm du lịch trong vùng CVĐC chậm nhất đến ngày 20/6/2024.
Ý kiến ()