Tiếp tục đổi mới công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời kỳ mới
Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Sila tại Trạm y tế xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 12 triệu người, chiếm tỷ lệ hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới và vùng sâu, vùng xa, có vị trí hiểm yếu, quan trọng về chiến lược kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, nhưng cũng là vùng có nhiều khó khăn, khó tiếp cận với các điều kiện phát triển kinh tế và các dịch vụ, phúc lợi xã hội.Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong cách mạng nước ta. Chính sách dân tộc trong mỗi thời kỳ cách mạng có khác nhau, nhưng nguyên tắc xuyên suốt là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng ta, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước...
Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Sila tại Trạm y tế xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu). |
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 12 triệu người, chiếm tỷ lệ hơn 14% dân số cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới và vùng sâu, vùng xa, có vị trí hiểm yếu, quan trọng về chiến lược kinh tế – xã hội và an ninh – quốc phòng, nhưng cũng là vùng có nhiều khó khăn, khó tiếp cận với các điều kiện phát triển kinh tế và các dịch vụ, phúc lợi xã hội.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong cách mạng nước ta. Chính sách dân tộc trong mỗi thời kỳ cách mạng có khác nhau, nhưng nguyên tắc xuyên suốt là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng ta, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hội nhập, phát triển, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cách mạng nước ta.
Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, với nguồn đầu tư ngày càng tăng, lớn nhất so với các thời kỳ trước đây. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện có gần 200 văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; chưa kể hàng trăm văn bản khác do các bộ, ngành và địa phương ban hành, nhằm cụ thể hóa, triển khai chính sách dân tộc. Các chính sách dân tộc được phân thành các nhóm: Nhóm chính sách phát triển kinh tế – xã hội theo vùng (chính sách phát triển các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển,…); nhóm chính sách phát triển kinh tế – xã hội theo lĩnh vực, theo ngành (chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách phát triển hạ tầng, hỗ trợ cấp đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tín dụng cho người nghèo, định canh định cư, chính sách về giáo dục và đào tạo, chính sách về dạy nghề cho người lao động, chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn văn hóa truyền thống, đưa thông tin về cơ sở, trợ giúp pháp lý, chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường,…); nhóm các chính sách phát triển kinh tế – xã hội một số dân tộc có nhiều khó khăn (dân tộc Mông, Khmer, Chăm, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, La Hủ, Mảng, Cống, Cờ Lao,…).
Mặc dù điều kiện kinh tế đất nước còn có nhiều khó khăn, nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước dành gần 10 nghìn tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách dân tộc. Có thể nói hệ thống chính sách dân tộc của nước ta đã bao phủ tương đối đầy đủ, toàn diện các nội dung theo vùng, theo lĩnh vực và theo tộc người; thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, biểu hiện ý chí quyết tâm cao của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Nhờ thực hiện hệ thống chính sách dân tộc, với sự đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng của các địa phương, nỗ lực vươn lên của đồng bào, các địa phương vùng dân tộc thiểu số đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng của vùng đạt cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt. Hằng năm số hộ nghèo giảm 4 đến 5%, trước kia, vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, thì nay chỉ còn dưới 20%. Chương trình 135 đã làm đổi thay bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn vùng sâu, vùng xa: Trước kia, hàng trăm xã chưa có đường giao thông, thì nay đường ô-tô đã đến được trung tâm 96% số xã, 80% số xã có điện, hơn 65% số hộ được dùng điện… Nhiều nơi đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các dân tộc được đến trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn vùng dân tộc hiện có 285 trường phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm thu hút hơn 80 nghìn học sinh theo học; các địa phương đã cử tuyển được hơn 20 nghìn con em các dân tộc vào học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng muối i-ốt, trẻ em được tiêm phòng các dịch bệnh giảm nhiều. Văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, phát huy, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, hầu hết các xã đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, 90% số hộ gia đình đã được nghe đài phát thanh, 80% số hộ được xem truyền hình, 90% số xã có điện thoại, thông tin liên lạc được thông suốt. Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, góp phần ổn định chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, qua đánh giá, tổng kết cũng đã chỉ ra các hạn chế, yếu kém của hệ thống chính sách dân tộc như:
Chính sách dân tộc còn mang tính chất ứng phó, giải quyết tình thế trước mắt, chưa mang tầm chiến lược, cơ bản, lâu dài; một số chính sách có nội dung chồng chéo, trùng lắp về địa bàn và đối tượng; quá trình xây dựng chính sách còn chưa huy động sự tham gia của người dân, vì thế có chính sách chưa phù hợp với đặc điểm tộc người, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc; một số chính sách mang dấu ấn của tư duy bao cấp, nặng về cơ chế xin – cho, không còn phù hợp với thực tế, nhưng chậm được tổng kết, sửa đổi; chính sách còn chưa phát huy được nội lực, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều yếu kém: Việc phối hợp, lồng ghép các chính sách trên địa bàn chưa tốt; có lúc, có nơi chưa thực hiện tốt việc công khai chính sách, chưa tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nguồn lực đầu tư cho chính sách ít nhưng còn dàn trải, chưa tập trung; một số chương trình, dự án đã được phê duyệt nhưng kinh phí cấp không đủ, thậm chí có chính sách chưa được bảo đảm vốn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng đến nay, kinh tế vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng chậm phát triển, còn gần 2.000 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, người nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện hạ tầng kinh tế – xã hội còn yếu kém, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số chậm phát triển, đội ngũ cán bộ, trí thức người dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành tiến hành rà soát, đánh giá, tổng kết đề xuất hệ thống chính sách dân tộc phù hợp với thời kỳ mới. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Đảng, nhận thức rõ thời cơ và thách thức trong tình hình mới, cần nghiên cứu, nhanh chóng hình thành hệ thống các chính sách dân tộc khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Để xây dựng chính sách dân tộc có chất lượng, hiệu quả hơn trong thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, thời cơ, thách thức, dự báo các xu thế biến đổi, vận động ở vùng dân tộc thiểu số, để có thông tin, luận cứ cho các mục tiêu chiến lược, giải pháp chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chính sách dân tộc thời gian tới cần tạo cơ hội phát triển vùng dân tộc thiểu số nhanh, bền vững, đồng thời thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Trong đó xác định phát triển và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là hai khâu đột phá. Quá trình xây dựng chính sách dân tộc phải dựa trên cơ sở khoa học, có sự tham gia của người dân và phù hợp với đặc điểm văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, ý thức vươn lên của đồng bào các dân tộc; kiên quyết khắc phục tình trạng chồng, chéo, trùng lặp trong các chính sách; có cơ chế công khai chính sách, để người dân biết, tham gia, giám sát quá trình thực hiện; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, cơ quan khoa học trong quá trình tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách; gắn các kết quả thực hiện chính sách dân tộc, thành quả giảm nghèo của địa phương với đánh giá, nhận xét hoàn thành nhiệm vụ, xét thành tích, thi đua hàng năm của cán bộ lãnh đạo đứng đầu các địa phương các cấp.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia thực hiện, vì thế cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc cần làm tốt hơn nữa vai trò là cơ quan đầu mối, kết nối, tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ chỉ đạo, thực hiện tốt công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()