Kinh tế “dò đáy” đi lên
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Sumit Dutta: Trong khi Việt Nam có những đánh giá chưa khả quan về nền kinh tế trong nước năm 2013, nhưng ngược lại các nhà đầu tư nước ngoài lại đang có những đánh giá tích cực, lạc quan về nền kinh tế. Việt Nam có nền tảng kinh tế chắc chắn do dân số trẻ, tỷ lệ dân số biết chữ cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng tiền Việt Nam ít mất giá hơn những đồng tiền khác trong khu vực,… Do đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2014-2015 sẽ đạt khoảng 5,4 – 5,8%, cao hơn mức 5,2% dự báo của năm 2013; GDP bình quân theo đầu người năm 2014 sẽ vượt qua con số 2.000 USD; lạm phát vẫn đạt một con số; lãi suất ngân hàng đang xuống thấp; đầu tư FDI đang có hướng gia tăng trong năm 2013 và có thể cả sang năm 2014;…
Ðồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, sau hai năm có nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực. Một trong những tín hiệu tốt của nền kinh tế đó là sự ổn định của đồng tiền đã trở lại, lạm phát giảm. Chính sách tiền tệ điều hành theo các công cụ, nguyên tắc của nền kinh tế thông qua lãi suất, dự trữ bắt buộc, công khai minh bạch số liệu… Những thành công này tạo sự đồng tình trong dư luận, nhân dân và doanh nghiệp về điều hành chính sách tiền tệ.
Ðánh giá về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng chính sách tiền tệ đã đạt hiệu quả khá tốt. Nền kinh tế Việt Nam đang “dò đáy” đi lên. Ðặc biệt, nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm tới có thể lên 14 – 15%. Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định: Về cơ bản, NHNN có những đồng nhất với những quan điểm của các chuyên gia về tín hiệu tốt của nền kinh tế. Năm 2014, mặc dù dự báo kinh tế vĩ mô có sự khác nhau nhưng NHNN tiếp tục khẳng định mục tiêu điều hành theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp kiểm soát tiền tệ, tránh tạo áp lực, giảm lạm phát đồng thời đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu qua công ty mua bán nợ quốc gia.
Xử lý nợ xấu, phá băng tín dụng
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan trong thời gian qua, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng không thể chủ quan với lạm phát bởi rủi ro lạm phát có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, nợ xấu và tăng trưởng tín dụng vẫn là những vấn đề đòi hỏi cả hệ thống ngân hàng tiếp tục nỗ lực xử lý và tháo gỡ.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, vấn đề lớn nhất hiện nay đó là vốn và nợ xấu. Hiện nay vẫn còn tình trạng ngân hàng thừa vốn nhưng không cho vay được, doanh nghiệp cần vốn nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên đó là nợ xấu. Do vậy, theo ông Kiêm, giải quyết được nút thắt nợ xấu là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khơi thông dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, để giải quyết nút thắt này không chỉ trông chờ vào riêng hệ thống ngân hàng mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả nền kinh tế. Ngoài ra, ông Cao Sỹ Kiêm cũng đề xuất hệ thống ngân hàng cần xem xét để đưa vốn tới những doanh nghiệp có dấu hiệu làm ăn tốt. Thời gian này, trong bối cảnh doanh nghiệp cần hàng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tín dụng có dư địa để tăng tốt. Tuy nhiên muốn làm được điều này, ngân hàng phải nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ cán bộ, phải xác định, khảo sát thực tiễn của thị trường để dòng vốn đến đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu thì tín dụng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, ông Nghĩa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nên chú ý tới các yếu tố đang khiến nhiều người lo ngại như: Lòng tin đang ở mức thấp, tình trạng doanh nghiệp lũng đoạn ngân hàng khiến nợ xấu gia tăng. Theo ông Nghĩa, nếu ngân hàng không cải thiện được căn bản về chuẩn mực đạo đức, thì chúng ta xóa xong nợ xấu này, sau hai hoặc ba năm tới sẽ lại phải đi xóa món nợ xấu khác. “Ðiều này chả khác gì việc vừa qua điểm đáy này lại loi ngoi rơi vào điểm đáy khác”, TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Ðình Ánh lại đưa ra khuyến nghị: Chính phủ không nên thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi có thể sẽ gây ra thêm những bất ổn kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Và quan trọng nhất là tập trung xử lý nợ xấu, không để nợ xấu mới phát sinh. Cũng theo khuyến nghị của Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Sumit Dutta, bên cạnh việc thành lập cơ quan xử lý nợ xấu, NHNN cần lưu ý việc tái cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng. Theo ông Sumit Dutta, vấn đề quan trọng hiện nay là cải thiện nợ xấu như thế nào. Muốn vậy, phải tăng cường quản lý các công ty trong ngân hàng, tăng cường nhận thức vấn đề quản lý rủi ro…
Ý kiến ()