Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của một hệ thống cơ quan hoàn toàn mới trong bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta - Viện Kiểm sát nhân dân. Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức ở Trung ương, địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành kiểm sát đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.Bằng những kết quả trên các lĩnh vực công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã đóng góp tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất nước nhà và công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.Trong những năm đầu mới thành lập, trên cơ sở xác định rõ công tác kiểm sát thực chất là...
Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của một hệ thống cơ quan hoàn toàn mới trong bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta – Viện Kiểm sát nhân dân. Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức ở Trung ương, địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành kiểm sát đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
Bằng những kết quả trên các lĩnh vực công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã đóng góp tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất nước nhà và công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Trong những năm đầu mới thành lập, trên cơ sở xác định rõ công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, hoạt động kiểm sát đã tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm.
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Hoạt động kiểm sát trong thời kỳ này tập trung đấu tranh khắc phục các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Với mục tiêu hàng đầu là giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt”, hoạt động của cán bộ, kiểm sát viên toàn ngành đã góp phần nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích, phản động, đấu tranh chống tội phạm gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến và các hành vi xâm phạm chính sách hậu phương quân đội.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc. Đất nước chuyển sang giai đoạn mới, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) đã đề ra các chủ trương cụ thể gắn với từng khâu công tác. Toàn ngành đã đẩy mạnh các hoạt động, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Ở các tỉnh phía nam, các viện kiểm sát tuy mới được thành lập, lực lượng còn non trẻ nhưng cũng đã vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tác kiểm sát tập trung vào mục tiêu giữ vững trật tự trị an, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phục vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới, phát triển kinh tế cả ở thành thị và nông thôn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, quán triệt và bám sát các chủ trương đổi mới và yêu cầu cải cách tư pháp được đề ra trong các văn kiện của Đảng, ngành kiểm sát đã có sự đổi mới mạnh mẽ về nhận thức lý luận, về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đây là lúc ngành kiểm sát phát triển cả về số lượng và chất lượng, với tinh thần trách nhiệm cao, kiên quyết đấu tranh loại bỏ mọi vi phạm pháp luật và tội phạm, toàn tâm, toàn lực cho mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhờ thực hiện chủ trương và biện pháp đổi mới đó, ngành KSND đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm đầu đổi mới, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội được thực hiện theo một kế hoạch thống nhất trên phạm vi cả nước. Bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, ngành kiểm sát đã lựa chọn đúng đắn những lĩnh vực kinh tế trọng điểm để tập trung kiểm sát. Qua công tác kiểm sát, đã có nhiều kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý; kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; yêu cầu khởi tố và trực tiếp khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự; yêu cầu xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó đã góp phần củng cố trật tự pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Ngành kiểm sát cũng đã phát hiện và kiến nghị khắc phục vi phạm đối với hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần củng cố pháp chế trong xây dựng và thực hiện pháp luật.
Năm 2002, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND. Thực hiện nội dung cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung và Luật Tổ chức VKSND năm 2002 được ban hành. Theo đó VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thôi không thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Theo tinh thần cải cách tư pháp, ngành KSND đã tiến hành đổi mới một cách tích cực và toàn diện về tổ chức và hoạt động. Các mặt công tác của Viện KSND và Viện Kiểm sát Quân sự các cấp đã có sự chuyển biến rõ rệt, tích cực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Trong lĩnh vực hình sự, viện kiểm sát các cấp đã quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, đưa ra truy tố nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ lừa đảo xảy ra ở Công ty TNHH Minh Phụng EPCO; vụ buôn lậu xảy ra tại Công ty TNHH Tân Trường Sanh; vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vụ Vũ Xuân Trường buôn bán trái phép chất ma túy; vụ án Trương Văn Cam cùng đồng bọn hoạt động theo kiểu “xã hội đen”… và gần đây là vụ Bùi Tiến Dũng cùng một số đối tượng phạm tội tham ô, nhận và đưa hối lộ xảy ra tại Ban quản lý dự án PMU 18 thuộc Bộ Giao thông vận tải… Viện Kiểm sát các cấp đã tiến hành kiểm sát chặt chẽ các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, kiên quyết không phê chuẩn các lệnh bắt khẩn cấp, lệnh gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam và gia hạn tạm giam không đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, mặt khác, yêu cầu bắt giam những trường hợp cần phải tạm giam… Tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, toàn ngành kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu, tạo những đổi mới quan trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Viện KSND tối cao đã chỉ đạo Viện Kiểm sát các cấp đổi mới công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm chống oan, chống lọt tội ngay từ ban đầu. Công tác quản lý, chỉ đạo quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra tiếp tục được đổi mới. Đối với những vụ án trọng điểm, phức tạp, Viện Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn đầu, chủ động đề ra yêu cầu điều tra đối với nhiều vụ án để bảo đảm việc điều tra, giải quyết vụ án có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, Viện KSND tối cao chỉ đạo viện kiểm sát các cấp tích cực áp dụng các biện pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường cán bộ cho khâu công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Vì vậy, chất lượng luận tội, tranh luận, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có sự chuyển biến rõ rệt.
Trong công tác kiểm sát, việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật, toàn ngành đã tập trung kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp về nhà ở, về quyền sở hữu tài sản, về hôn nhân và gia đình, về kinh doanh, thương mại, lao động…, trong đó, chú trọng kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án; tích cực tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự ở các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật. Qua công tác này đã kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục nhiều vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc nói trên, đồng thời tổng hợp tình hình và kiến nghị với các cơ quan chính quyền có biện pháp giải quyết các điểm nóng, các khiếu kiện bức xúc, kéo dài, chủ động hòa giải để giải quyết các tranh chấp ở cơ sở và có biện pháp phòng ngừa vi phạm.
Trong công tác kiểm sát thi hành án, viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc tổ chức thi hành án, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án nắm chắc số bản án, quyết định phải được thi hành để yêu cầu thi hành một cách kịp thời; kiểm sát chặt chẽ việc xét miễn, giảm thi hành án. Qua hoạt động kiểm sát đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu với tòa án, cơ quan công an, cơ quan thi hành án khắc phục các vi phạm, sơ hở. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù ngày càng được tăng cường, góp phần bảo đảm việc quản lý và thực hiện các chế độ đối với người bị giam, giữ theo đúng quy định của pháp luật. Ngành kiểm sát đã tăng cường quan hệ, phối hợp các ngành có liên quan để thực hiện tốt công tác giải quyết đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước.
Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được đặc biệt coi trọng. Do xác định rõ ý nghĩa của việc làm tốt công tác này sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người. Đồng thời, từ công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong nhiều trường hợp có được những thông tin quan trọng từ phía nhân dân phục vụ quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật. Vì vậy, viện kiểm sát các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan hành vi tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp…
Để thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật quy định, ngành KSND xác định rõ cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của mọi chủ trương, nhiệm vụ công tác kiểm sát. Cho nên việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các tiêu chí và các yêu cầu cụ thể. Ngành kiểm sát đã và đang có những biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, vững vàng về lập trường chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh
nghề nghiệp, kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về nhiệm vụ được giao.
Trải qua nửa thế kỷ tổ chức và hoạt động, với những cố gắng và thành tích đạt được, ngành kiểm sát nhân dân đã hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị, cá nhân trong ngành được tặng thưởng Huân chương Lao động. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ngành, Viện KSND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng.
Những nhiệm vụ đặt ra cho ngành kiểm sát trong thời gian tới đây là rất to lớn, nặng nề. Ngành KSND xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng; tiến hành đổi mới toàn diện về tổ chức bộ máy và hoạt động, nhằm thực hiện đúng đắn chức năng, nhiệm vụ và xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()