Tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh, đã tổ chức nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy bom mìn các loại bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Ban Công binh Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế thu gom và đưa đi phá hủy |
Việt Nam nằm trong số các quốc gia còn chịu ảnh hưởng do bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Sau các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bom mìn do quân đội nước ngoài mang đến tàn phá, còn sót lại trên đất nước ta là rất lớn (ước đến hàng trăm nghìn tấn) rải rác trên khắp lãnh thổ.
Theo kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 (chưa điều tra trên diện tích vùng biển), toàn quốc có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm bom mìn. Số lượng bom mìn vật liệu nổ còn sót lại làm ô nhiễm với diện tích khoảng 6,6 triệu hecta đất đai. Tính đến thời điểm này, mới có khoảng 20% lượng bom mìn được rà phá.
Ước tính kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 đã có 42.135 người bị chết và 62.163 người bị thương tật do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra, trong số đó đa phần là trẻ em và người lao động chính trong gia đình. Bom mìn sót lại sau chiến tranh gây cho người dân cảm giác bất an khi canh tác trên diện tích đất đai còn ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại có trong bom mìn rải rác ở nhiều nơi.
Bom mìn, vật liệu nổ còn tồn tại sau chiến tranh ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Các vụ tai nạn nổ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi, gây thương vong cho người dân, phá hỏng nhiều cơ sở vật chất, tài sản, phương tiện của nhà nước và nhân dân, gây đình trệ nhiều công trình xây dựng cơ bản, cải tạo, nạo vét luồng cảng…Các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của bom mìn, vật liệu nổ làm cho nhân dân lo lắng, không yên tâm lao động, sản xuất…
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh, đã tổ chức nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy bom mìn các loại bảo đảm an toàn cho nhân dân; giải phóng hàng triệu hecta đất đai đưa vào sản xuất góp phần xóa đói giảm nghèo; đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và hằng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức rà phá và hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập xã hội; đã tích cực thông tin, tuyên truyền để nhân dân (nhất là đồng bào ở vùng ô nhiễm nặng) chủ động phòng tránh giảm thiểu thiệt hại và làm cho quốc tế rõ hơn về thực trạng, hậu quả và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.
Nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và của toàn xã hội cùng với sự hợp tác giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều vùng “đất chết” do bom đạn chiến tranh nay đã “hồi sinh” tươi cành, xanh lá. Tuy nhiên, do số lượng bom mìn, đạn dược sót lại rất lớn, rải rác trên diện rộng; đến nay đất đai bị ô nhiễm vẫn còn khoảng 20% diện tích cả nước, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Trong Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025 (Chương trình 504), từ 2011 đến 2015 sẽ tập trung điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; tăng cường hoạt động của Trung tâm quản lý dữ liệu về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; triển khai các dự án rà phá bom mìn bảo đảm an toàn cho nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tập trung ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi; phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thống về hiểm họa bom mìn sót lại sau chiến tranh để nhân dân chủ động phòng tránh tai nạn; vận động chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.Đây là một thách thức, để đẩy nhanh tiến độ, gần đây Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan đã tham mưu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010- 2025 (QĐ504/QĐTTG ngày 21/4/2010); thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước do Thủ tướng làm Trưởng ban (BCĐ 504). Từ sau năm 2015, sẽ tập trung triển khai các dự án rà phá làm sạch bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên quy mô rộng hơn.
Sau gần 3 năm thực hiện chương trình 504. Bình quân mỗi năm hàng trăm nghìn hecta đất đai được rà phá, đưa vào canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đã hoàn thành điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn 49/63 tỉnh, thành; nâng cao năng lực Trung tâm quản lý dữ liệu; tích cực xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Một số dự án mới của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã được triển khai. Công tác tuyên truyền giáo dục được đẩy mạnh góp phần tích cực làm giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn sót lại sau chiến tranh; tạo đồng thuận xã hội; cổ vũ các cấp, ngành, các tập thể, cá nhân trong nước và quốc tế “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”. Chương trình 504 gắn kết hơn sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành; tạo cơ chế phối hợp, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()