Tiếp tục củng cố, phát triển sâu rộng quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia
Nhận lời mời của Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị cấp nhà nước Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 6 đến ngày 8/12/2011. Đây là chuyến thăm Vương quốc Cam-pu-chia đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư. Chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước nhằm: Khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng việc phát triển, đưa quan hệ với các nước láng giềng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững lâu dài; nhất quán phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia; tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.Trong những năm qua, quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Cam-pu-chia không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy. Các cơ chế hội đàm các cấp giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Cam-pu-chia; gặp gỡ, tiếp xúc...
Nhận lời mời của Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm hữu nghị cấp nhà nước Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 6 đến ngày 8/12/2011.
Đây là chuyến thăm Vương quốc Cam-pu-chia đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư. Chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước nhằm: Khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng việc phát triển, đưa quan hệ với các nước láng giềng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững lâu dài; nhất quán phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia; tiếp tục thúc đẩy thực hiện có kết quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Trong những năm qua, quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng trên các lĩnh vực. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy. Các cơ chế hội đàm các cấp giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Cam-pu-chia; gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương hai nước tiếp tục được duy trì.
Trong bối cảnh mới, cả Việt Nam lẫn Cam-pu-chia đều thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, đều hết sức coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Bằng quyết tâm và sự nỗ lực chung của hai nước, trong những năm qua, quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam- Cam-pu-chia đã có những bước phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước.
Hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ hợp tác “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”; đã ký kết hơn 80 văn bản pháp lý về hợp tác song phương trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời thiết lập những cơ chế phối hợp cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển của quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hàng năm, hai nước đã chủ động cử các đoàn sang thăm lẫn nhau, trong đó có đoàn cấp nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp, qua đó mối quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia ngày càng phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ giữa Đảng ta với hai Đảng trong liên minh cầm quyền ở Cam-pu-chia ngày càng được củng cố và tăng cường. Các cuộc tiếp xúc, giao lưu giữa các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết tin cậy và thúc đẩy hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về nhiều mặt. Các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước ngày càng hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, giữ vững ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân vùng biên giới.
Những năm gần đây, Cam-pu-chia liên tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, vượt qua thời điểm khó khăn năm 1999, kinh tế Cam-pu-chia đã lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng GDP 5,5%-6% trong hai năm qua, kiềm chế lạm phát dưới một con số, dự trữ ngoại tệ tăng từ 100 triệu USD lên 2,2 tỉ USD năm 2008, trên 3 tỷ USD năm 2010; thu ngân sách tăng bình quân 10%/năm; xuất khẩu và du lịch tăng trưởng mạnh, từ 20%-30%/năm, năm 2011 đạt trên 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều công trình hạ tầng như điện, nước, cầu, đường, thủy lợi, thủy điện được xây dựng. Đặc biệt, sản xuất lương thực liên tục tăng và đã đạt 7 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2008 – 2010. Cam-pu-chia phấn đấu đến năm 2015 trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới (hiện xuất khẩu trên 2,2 triệu tấn gạo). Đến nay, đầu tư nước ngoài vào Cam-pu-chia đạt khoảng 14 tỷ USD. Tỷ lệ dân nghèo giảm bình quân trên 1%/năm, từ 47% năm 1994 xuống còn 34,7% năm 2004 và 27% năm 2010.
Bằng quyết tâm và sự nỗ lực chung của hai nước, trong những năm qua, quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia đã có những bước phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Đáng chú ý là hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia được thúc đẩy mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Với phương châm hợp tác thiết thực, chất lượng, hiệu quả và phù hợp với khả năng của mỗi bên, sau hơn 15 năm kể từ cuộc họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật tháng 9/1995 đến nay, nhìn chung, các thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, nông-lâm-ngư-nghiệp, du lịch, hàng không, năng lượng điện, giáo dục đào tạo, y tế, thể thao… cũng như quan hệ hợp tác kinh tế giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới đã và đang được hai bên quan tâm triển khai thực hiện có kết quả. Các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp của hai nước quan hệ hợp tác với nhau nhiều hơn, đầu tư của các công ty Việt Nam vào Cam-pu-chia tăng lên, đến nay đã có 98 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia với mức vốn đăng ký 2,2 tỷ USD, trong đó có một số dự án lớn, hoạt động có hiệu quả như viễn thông, hàng không, trồng cao su, ngân hàng… Kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch giữa hai nước tăng nhanh, từ chỗ đạt khoảng trên dưới 100 triệu USD năm 1997 tăng lên gần 1 tỷ USD năm 2006, trên 1,3 tỷ USD năm 2007 và năm 2008 đạt 1,7 tỷ USD, năm 2009 đạt 1,9 tỷ USD, năm 2010 đạt 2 tỷ USD và dự kiến năm 2011 đạt 2,4 tỷ USD; đồng thời, hai bên đã phối hợp mở và nâng cấp một số khu kinh tế cửa khẩu, chợ đường biên.
Hai bên cũng đã tập trung hợp tác trong một số ngành trọng yếu như hợp tác phát triển lương thực, trồng cây công nghiệp, quy hoạch và bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy hải sản, kiểm dịch động thực vật…; hợp tác khai thác, sử dụng có hiệu quả các tuyến đường hàng không, đường thủy, phối hợp nâng cấp và xây dựng một số tuyến giao thông bộ nối liền hai nước, tạo thuận lợi cho việc xuất – nhập cảnh người và hàng hóa qua lại. Hai bên đang tích cực triển khai dự án kết nối hệ thống điện giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu thăm dò và khai thác khoáng sản.
Lĩnh vực giáo dục – đào tạo đã được hai bên quan tâm. Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Cam-pu-chia hàng nghìn học sinh, cán bộ bậc đại học, cao đẳng, nghiên cứu sinh trong các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; năm 2010 và 2011, mỗi năm tiếp tục thêm 650 học bổng ngắn hạn và dài hạn cho Cam-pu-chia. Hai bên cũng rất quan tâm mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái vùng biên giới.
Hai bên cũng thường xuyên trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của nhau về hội nhập quốc tế; phối hợp hoạt động trên các diễn đàn quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, mở rộng các mối quan hệ hợp tác đa phương mang tính khu vực như hợp tác lưu vực sông Mê-kông, hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng, Chiến lược hợp tác kinh tế 5 nước (ACMECS), hợp tác bốn nước (CLMV), hợp tác về phát triển lưu vực sông Mê-kông, hợp tác phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc hành lang Đông-Tây, hợp tác phát triển khu tam giác 3 nước (CLV) v.v…
Trên tinh thần đoàn kết hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau vì lợi ích chung của hai dân tộc và nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp của mỗi nước cũng như thông lệ quốc tế, hai bên đã phối hợp chặt chẽ với nhau, từng bước giải quyết những vấn đề còn tồn tại; thống nhất về nguyên tắc giải quyết những điểm vướng mắc về phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ trước cuối năm 2012.
Với truyền thống hữu nghị láng giềng, hợp tác toàn diện giữa hai nước và những kết quả tốt đẹp trong những năm qua, chúng ta tin tưởngchuyến thăm hữu nghị cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Vương quốc Cam-pu-chia lần này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia , làm sâu sắc thêm, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()