Tiếp tục công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết ngày 16/3, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ địa phương. Hiện, cả nước còn 34 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 14 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 63.402 con, số gia cầm bị chết và tiêu hủy là 68.787 con.
Qua phân tích dịch tễ đợt dịch này cho thấy, trong năm 2014, vi rút cúm H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Long An, Kiên Giang, và Cà Mau. Hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do vi rút H5N1 nhánh 2.3.2.1C.
Ảnh minh họa: K.D |
Các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời. Riêng các tỉnh Khánh Hòa, Trà Vinh, Đồng Nai có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.
Cũng theo Cục Thú y, việc cập nhật thông tin lưu hành vi rút cúm gia cầm đã được Cục gửi các địa phương thường xuyên, cụ thể tại văn bản số 31/TY-DT ngày 06/01/2014, văn bản số 168/TY-DT ngày 10/02/2014 của Cục Thú y, văn bản số 268/TY-DT ngày 27/02/2014.
Nhận định về nguyên nhân xảy ra dịch, Cục Thú y cho biết, do thời tiết trong tháng 1-3/2014 lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để vi rút H5N1 tồn tại và lây lan. Thêm nữa, trong dịp Tết nguyên đán, gia tăng việc đi lại, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm của người dân dẫn đến vi rút có điều kiện phát tán.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ vi rút cúm H5N1.
Ngoài ra, công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương.
Thời gian tới, Cục Thú y cho rằng, với những nguyên nhân như trên, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Hiện, không có báo cáo ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) và dịch tai xanh lợn mới phát sinh từ các địa phương. Cả nước có tỉnh Quảng Trị, Cao Bằng và Sơn La có ổ dịch LMLM với tổng số gia súc mắc bệnh là 451 con, số gia súc bị chết và tiêu hủy là 23 con.
Trong thời gian này, các địa phương đang tích cực triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm trong toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 519/BNN-TY ngày 18/02/2014. Các đoàn công tác của Cục Thú y tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()