Tiếp tục có giải pháp mới, đột phá, nâng chất lượng dịch vụ hành chính công
– Sáng 26/5, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) phân tích kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh
Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh có các đồng chí: Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, chỉ số PAPI tổng hợp năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn đạt 43,85 điểm, xếp hạng 13/61 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh và Bắc Giang không đưa vào báo cáo do nhiễu sóng số liệu), giảm 1,99 điểm và giảm 9 bậc so với năm 2021. Trong đó, chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm điểm nhiều nhất (giảm 0,79 điểm) so với năm 2021.
Về chỉ số SIPAS và chỉ số PAR INDEX của tỉnh, năm 2022, phần lớn các lĩnh vực trong hai chỉ số đều giảm cả về điểm và xếp hạng so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2022, Bộ Nội vụ đã thay đổi nội dung, tiêu chí và phương pháp xác định chỉ số SIPAS, việc đo lường mức độ hài lòng của người dân được thực hiện với 2 nội dung và 9 nhóm tiêu chí. Tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Nội vụ đã triển khai khảo sát với tổng số 486 phiếu tại các thôn trên địa bàn 3 huyện, thành phố (Văn Lãng, Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn), kết quả đạt 75,44%, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố, giảm 11,63% và giảm 28 bậc so với năm 2021.
Chỉ số PAR INDEX năm 2022 cấp tỉnh được đánh giá trên 8 lĩnh vực với 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Kết quả, tỉnh đạt 81,45%, xếp hạng 54/63 tỉnh, giảm 31 bậc so với năm 2021. Đây là kết quả thấp nhất của tỉnh kể từ khi Bộ Nội vụ thực hiện việc xác định chỉ số PAR INDEX đến nay. Trong đó, có 2 chỉ số thành phần giảm mạnh nhất đó là “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” đạt 68,05%, giảm 21,07% và giảm 21 bậc so với năm 2021; “tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế – xã hội” đạt 66,35%, giảm 17,99% và giảm 52 bậc so với năm 2021.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, trao đổi làm rõ những nguyên nhân dẫn đến đạt thấp và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, thứ hạng ba chỉ số trên. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: xây dựng chính quyền số; cải cách tài chính công; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; giải pháp, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác CCHC…
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò của người đứng đầu, phải xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tiếp tục có những giải pháp mới, đột phá, phù hợp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Cùng với đó, trên cơ sở kết quả đánh giá của 3 chỉ số, các cơ quan, đơn vị chủ động tiến hành phân tích, đánh giá, xác định rõ những nội dung đạt được, chưa đạt được, nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị và phương hướng khắc phục.
Đồng chí nhấn mạnh: các sở, ban, ngành quản lý các lĩnh vực CCHC chủ trì, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số CCHC. Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân, tổ chức tiếp cận, tham gia xây dựng và thực hiện chính sách; quán triệt, chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức thực hiện đúng các quy định về văn hóa công vụ trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức…
Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền kết quả công tác CCHC, những chính sách mới của tỉnh, giải thích mục đích, ý nghĩa của phiếu điều tra, khảo sát để có được kết quả đánh giá thực chất, khách quan… để người dân nắm được và đánh giá thực chất, khách quan về công tác CCHC của tỉnh.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()