Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại; nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép thành lập Quỹ tín dụng nhân dân và mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại; xây dựng và triển khai tiêu chí cấp phép mới đối với một số loại hình tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với điều kiện thực tế trong nước và các cam kết quốc tế.
Đồng thời, tập trung triển khai cơ cấu lại các Ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước bắt buộc trong thời gian qua theo phương án được phê duyệt. Tổ chức tín dụng không đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, tổ chức tín dụng không có phương án cơ cấu lại khả thi hoặc không thực hiện được phương án cơ cấu lại được phê duyệt sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp can thiệp xử lý của Nhà nước thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và bằng một số biện pháp khác phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại các Ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm mục tiêu duy trì vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các cơ quan, đơn vị phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng; kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tập trung triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả kế hoạch Thanh tra năm 2017; phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật để cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm minh, đồng thời chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an các vụ việc có dấu hiệu hình sự và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vi phạm của tổ chức tín dụng. Kết luận thanh tra xác định rõ hành vi vi phạm, rủi ro và nguy cơ rủi ro, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Công ty quản lý tài sản (VAMC) tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Ngoài ra, phối hợp với tổ chức tín dụng bán nợ khởi kiện khách hàng vay chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án và cơ quan chức năng trong quá trình thu giữ tài sản và thi hành các bản án đã có hiệu lực; tăng cường phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua; tiếp xúc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; thường xuyên, kịp thời công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()