Tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TRẦN HẢI * Thảo luận hai dự án luậtNgày 14-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố và Dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh.Nâng cao đạo đức ngành yTrong phiên làm việc buổi sáng, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) nêu thực trạng, hiện nay trách nhiệm và thái độ phục vụ đối với người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế chưa cao, năng lực trình độ kém, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Vậy, đâu là giải pháp cho những vấn đề này? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời, đạo đức ngành y là vấn đề được ngành y đặc biệt quan tâm và đang tìm giải pháp nâng cao đạo đức...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TRẦN HẢI |
* Thảo luận hai dự án luật
Ngày 14-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sang ngày làm việc thứ 20. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố và Dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh.
Nâng cao đạo đức ngành y
Trong phiên làm việc buổi sáng, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) nêu thực trạng, hiện nay trách nhiệm và thái độ phục vụ đối với người bệnh của một bộ phận cán bộ y tế chưa cao, năng lực trình độ kém, gây ảnh hưởng sức khỏe người dân. Vậy, đâu là giải pháp cho những vấn đề này? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời, đạo đức ngành y là vấn đề được ngành y đặc biệt quan tâm và đang tìm giải pháp nâng cao đạo đức cán bộ trong ngành, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Bộ trưởng thừa nhận, hiện nay vẫn còn tình trạng cán bộ y tế khi tiếp xúc với người bệnh có thái độ không thân thiện, cáu gắt, quát mắng. Cùng với đó là tình trạng đưa và nhận phong bì để được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn. Hiện tượng bác sĩ nhận hoa hồng của các hãng dược để kê đơn thuốc biệt dược không cần thiết vẫn diễn ra. Đây là hình ảnh rất khó chấp nhận, ảnh hưởng danh dự ngành y. Nguyên nhân là do nhận thức, nhân cách yếu kém của cán bộ y tế thực hiện các hành vi tiêu cực. Tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh, cũng là nguyên nhân gây ức chế, dẫn đến thái độ thiếu nhã nhặn của cán bộ y tế. Nguyên nhân nữa là do lương cán bộ y tế quá thấp. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quy tắc ứng xử của cán bộ y tế, phát động các phong trào nâng cao đạo đức ngành y và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cùng với đó là tăng cường đầu tư xây dựng các cơ sở y tế, giảm tải bệnh viện và xây dựng đề án tăng lương cho ngành y tế.
Trước phản ánh của một số đại biểu về tình trạng có nhiều tai biến trong ngành y, nhất là tai biến sản khoa xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tai biến y khoa, trong đó có tai biến sản khoa tăng cao thời gian qua là vấn đề ngành y rất day dứt và đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất. Theo Bộ trưởng, số lượng thai phụ tử vong do tai biến tăng thời gian qua, nguyên nhân do số lượng thai phụ năm 2012 tăng cao, vì nhiều người muốn sinh con trong năm Rồng (Nhâm Thìn). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ y tế còn nhiều hạn chế, cho nên nhiều tai biến có phần do hạn chế về chuyên môn của cán bộ y tế.
Mặc dù Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là một trong tám nước có tỷ lệ thai phụ tử vong giảm trong những thập kỷ qua, nhưng thực tế vẫn ở mức cao. Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ tai biến y khoa, trong đó có tai biến sản khoa, như tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ sản khoa; tăng cường thêm các tuyến bệnh viện sản, nhi khoa; tăng cường đầu tư hạ tầng cho ngành y tế.
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu vì sao giá thuốc trong nước cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, qua khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Áp dụng các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu liên quan công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ trưởng khẳng định, thực phẩm nhập khẩu qua đường chính ngạch được kiểm soát tốt, bảo đảm chất lượng. Thực phẩm có chất lượng kém chủ yếu là nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tham gia trả lời về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo liên tục vấn đề này trong thời gian qua. Đến nay, hầu hết các tỉnh phía nam đã hoàn thành quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc và 80% nguồn thực phẩm tiêu thụ, như ở thành phố Hồ Chí Minh được kiểm soát và an toàn. Các địa phương khác đang xây dựng quy hoạch này và Chính phủ yêu cầu đến ngày 31-12-2012 phải xong. Về vấn đề mất an toàn trong rau, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề đang gây bức xúc cho xã hội. Các ngành chức năng đang xây dựng đề án với mục tiêu các xã, các cơ sở nông nghiệp không sản xuất rau không an toàn và thực hiện đề án này trong năm 2013, đi cùng với đó là triển khai chợ, điểm bán rau an toàn. Về vấn đề gà nhập lậu, Phó Thủ tướng cho biết, các ngành chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, phấn đấu đến năm 2013, cơ bản ngăn chặn gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Phát biểu tổng kết phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, thời gian tới, ngành y tế cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám, chữa bệnh đi cùng với nâng cao đạo đức nghề nghiệp; quản lý tốt thuốc chữa bệnh từ khâu sản xuất, lưu hành, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để quản lý giá thuốc hiệu quả; thực hiện tốt chính sách BHYT, với mục tiêu đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế – xã hội
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế, các đại biểu QH tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình thêm một số nội dung mà nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Báo cáo nêu rõ, trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực. Giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,85%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 9. Cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Xuất khẩu gạo cả năm khoảng 7,5 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu lao động, đạt gần 80% kế hoạch năm. Văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực (toàn văn báo cáo đăng số báo ra hôm nay).
Chất vấn trực tiếp Thủ tướng tại hội trường, các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu câu hỏi, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ về những yếu kém trong điều hành kinh tế thời gian qua, vậy giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế, yếu kém đó trong thời gian tới như thế nào? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, với trọng trách được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, Thủ tướng đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ về hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong điều hành trên một số lĩnh vực. Chính phủ đã đưa ra giải pháp tổng thể và nỗ lực thực hiện, phấn đấu khắc phục những yếu kém đó, thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu đề ra. Các giải pháp tập trung vào việc nâng cao năng lực, hoàn thiện cơ chế, thể chế luật pháp. Nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ đã tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, giám sát trong quản lý, khắc phục những yếu kém, kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm, đồng thời hoàn thiện hệ thống bộ máy của Chính phủ và bộ máy tổ chức các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất trên tất cả các lĩnh vực. Phân công, phân cấp rõ ràng, đề cao trách nhiệm các cấp, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất. Đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực cán bộ, công chức trong thực thi chức trách, nhiệm vụ. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân trong xây dựng và thực hiện chính sách, chịu sự giám sát của nhân dân. Thủ tướng cho rằng, để thực hiện tốt những giải pháp nói trên, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, cần sự đồng thuận của toàn xã hội.
Đại biểu, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị cho biết biện pháp xử lý đối với các dự án thủy điện có biểu hiện không an toàn, gây lo lắng trong nhân dân. Thủ tướng trả lời, tại các dự án thủy điện, Chính phủ yêu cầu các cơ quan hữu quan phải bảo đảm các điều kiện, trong đó điều kiện an toàn là yêu cầu cao nhất. Thời gian qua, một số dự án có biểu hiện không an toàn, gây lo lắng trong nhân dân. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương rà soát lại toàn bộ các dự án thủy điện trên toàn quốc. Dự án nào không bảo đảm các điều kiện, kiên quyết loại khỏi quy hoạch và đến nay đã loại 107 dự án thủy điện khỏi quy hoạch. Bên cạnh đó, rà soát lại tất cả các nhà máy thủy điện đã hoàn thành, từ khâu an toàn hồ đập, công tác tái định cư… để đưa ra biện pháp giải quyết. Đối với dự án thủy điện Sông Tranh 2, đến nay, theo báo cáo của các chuyên gia trong nước và nước ngoài cũng như của các cơ quan chức năng, đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, Chính phủ yêu cầu trước mắt chưa tích nước để phát điện trong mùa lũ năm nay. Đồng thời, lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại thủy điện Sông Tranh 2 để kịp thời phát hiện, xử lý với mục tiêu bảo đảm an toàn cao nhất.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu câu hỏi, Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân và Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không? Thủ tướng trả lời, trong suốt 51 năm theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng, đến nay tôi không xin với Đảng cho tôi đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác và tôi cũng không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng, Nhà nước giao. Tôi đã nghiêm túc báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã hiểu rõ ưu điểm, khuyết điểm, sức khỏe và cả thương tật của tôi cũng như tâm tư, nguyện vọng của tôi. Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đã phân công tôi tiếp tục ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, QH đã bỏ phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành T.Ư, của QH. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua.
Cùng với những nội dung nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của đại biểu QH liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Do thời gian có hạn, nên một số câu hỏi của đại biểu QH gửi đến Thủ tướng Chính phủ sẽ được Thủ tướng Chính phủ trả lời bằng văn bản đến các đại biểu QH.
Tổ chức thực hiện nội dung chất vấn có hiệu quả
Phát biểu ý kiến tổng kết toàn bộ những phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, toàn bộ phiên chất vấn diễn ra một cách rất dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước. Những câu hỏi của các vị đại biểu QH đặt ra hết sức thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn. Các câu trả lời của các thành viên Chính phủ cũng đi vào nội dung các câu hỏi và đã giải đáp được hầu hết các vấn đề đặt ra, đưa ra các kiến nghị cần thiết để tiếp tục giải quyết. Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, các ngành hữu quan tiếp tục tổ chức thực hiện nội dung các chất vấn của đại biểu QH đã đặt ra một cách có kết quả trong thời gian tới.
Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của bản thân Thủ tướng và của tập thể Chính phủ trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành và tích cực phấn đấu để thực hiện thành công những kế hoạch công tác của Chính phủ, trước mắt là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 và có kế hoạch để hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu mà QH đã đưa ra cho nhiệm vụ năm 2013.
Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống khủng bố
Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án luật: Luật Phòng, chống khủng bố và Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh.
Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống khủng bố (PCKB), đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, trong những năm qua, các hoạt động khủng bố quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành về công tác PCKB. Do vậy, việc ban hành Luật PCKB là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác đấu tranh PCKB, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, Luật cần quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong công tác PCKB, nhất là quy định rõ trách nhiệm của lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ PCKB. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Luật PCKB là Luật chuyên ngành, song các điều khoản của Luật chưa được thể hiện đầy đủ. Do vậy, cần làm rõ cấp nào được thành lập Ban chỉ đạo PCKB; quy định rõ thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo. Đại biểu này cũng cho rằng, thời điểm này, nước ta không nên thành lập lực lượng chuyên trách PCKB, vì điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nếu thành lập lực lượng chuyên trách sẽ phải đầu tư lượng kinh phí lớn để trang bị phương tiện cho lực lượng này. Do vậy, chỉ cần giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn về PCKB và đầu tư thêm một số trang thiết bị cho lực lượng sẵn có của quân đội và công an và huấn luyện chuyên sâu hơn.
Hình thức, biện pháp giáo dục quốc phòng-an ninh phù hợp với từng đối tượng
Thảo luận về Dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh (QP, AN), đa số ý kiến phát biểu tán thành với việc ban hành luật này, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ QP, AN, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP, AN, cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp cho phù hợp với từng loại đối tượng. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai xây dựng các trung tâm giáo dục QP-AN ở các địa phương, để bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho sinh viên, vì thực tế trong thời gian qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo ở các địa phương. Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi của luật, nhất là việc xã hội hóa công tác giáo dục QP, AN, vì trong nhiều năm qua chúng ta đã làm, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy trong các nhà trường, nhất là các cấp phổ thông. Khi thông qua Luật, phải tính đến vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác giáo dục QP, AN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()