Đặc biệt, từ khi Đảng, Nhà nước triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của nhân dân ở vùng nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Chăm chúng tôi. Chỉ trong vài năm, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới ở vùng đồng bào dân tộc Chăm huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được mở rộng. Nhiều hộ đầu tư vào một số mô hình trồng cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày có giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn để mua máy cày, máy xới, máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất.
Việc thực hiện các chính sách trợ giá, trợ cước các mặt hàng thiết yếu, các chương trình đầu tư, hỗ trợ thôn, xã đặc biệt khó khăn và một số chính sách đặc thù của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào Chăm chúng tôi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ hơn 25% năm 2010 xuống còn gần 4,7% vào năm 2015). Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật được tôn trọng. Tệ nạn mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu giảm rõ rệt. Các cơ sở thờ tự, công trình kiến trúc và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn và phát huy. Điều này làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận nói chung và đồng bào dân tộc Chăm chúng tôi nói riêng hết sức phấn khởi và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chúng tôi gửi gắm niềm tin vào Đại hội XII của Đảng, mong Đại hội sẽ dành thời gian để bàn việc chăm lo đời sống, hoàn thiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Đảng sẽ có nghị quyết riêng về xây dựng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước cụ thể hóa bằng các chính sách tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ý kiến ()