Tiếp tục cảnh giác với thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, toà án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
- Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa. Nổi bật gần đây, nhiều đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án và các cơ quan chức năng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tinh vi.
Sáng 27/3/2024, chị H.B.T, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, người ở đầu dây bên kia tự xưng là người của nhà mạng Viettel và hỏi xác nhận các thông tin cá nhân của chị T và thông báo cho chị T về việc có người giả danh chị T mở tài khoản ngân hàng ở Hà Nội để kêu gọi làm từ thiện và gửi cho chị T 200 triệu đồng. Mặc dù đã phản hồi rằng bản thân chưa từng xuống Hà Nội và chưa nhận được số tiền nào nhưng chị T vẫn nhận được nhiều cuộc gọi vào tài khoản Zalo của mình. Các đối tượng tự giới thiệu là người của Bộ Công an, Toà án Nhân dân tối cao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn và nói chỉ ít phút nữa sẽ đọc lệnh bắt. Họ cũng gửi cho chị T hình ảnh lệnh bắt có đóng dấu đỏ của Bộ Công an, cùng những lời đe dọa và yêu cầu chị T phối hợp để tìm ra kẻ chủ mưu.
Hoang mang và lo sợ nên chị T đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng là đến ngân hàng, đăng ký thêm số điện thoại mà đối tượng cung cấp vào tài khoản ngân hàng đang sử dụng của mình. Sau đó, các đối tượng yêu cầu chị T nộp tiền vào tài khoản càng nhiều càng tốt để gây chú ý và có thể tìm ra người giả danh chị T mở tài khoản từ thiện. Do không có tiền nên chị T đã vay anh em họ hàng, người thân và bán ngôi nhà đang sống để nộp vào tài khoản ngân hàng của mình số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra chị còn chuyển thêm 97 triệu đồng vào số tài khoản MBBank mang tên PHAM DAC HUY theo yêu cầu của các đối tượng. Đến ngày 24/5/2024, khi ra ngân hàng rút tiền thì chị T mới phát hiện hơn 1,3 tỷ đồng trong tài khoản đã bị chuyển đi. Lúc này, chị T mới nhận ra bản thân đã bị lừa và đến cơ quan chức năng để trình báo sự việc.
Không chỉ chị T, theo thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ việc các đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên 8 tỷ đồng. Đây là hình thức lừa đảo không mới, nhưng phương thức, thủ đoạn các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi và xảo quyệt.
Nếu như trước đây chủ yếu là giả danh công an, hiện nay các đối tượng còn giả danh viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân và các cơ quan chức năng nhằm đánh vào tâm lý lo sợ của người bị hại, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường nhắm vào lừa đảo cán bộ hưu trí có tiền tích lũy, người kinh doanh buôn bán, người trung tuổi có con cái lớn, trưởng thành hoặc đi làm ăn xa...
Với thủ đoạn tinh vi là đánh cắp hoặc mua thông tin cá nhân của người dân trên các sàn thương mại điện tử, website... sau đó gọi điện cho người dân giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án thông báo đến người dân hoặc con cái của họ, người thân liên quan đến các vụ án, vụ việc đang điều tra...
Đồng thời, các đối tượng gửi lệnh bắt giả có dấu đỏ của viện kiểm sát để đe doạ, uy hiếp. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân phối hợp điều tra, cung cấp tài khoản ngân hàng, số điện thoại đăng ký dịch vụ internet banking và mã OTP để phục vụ điều tra rồi thực hiện chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc chuyển toàn bộ số tiền đang có đến tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp. Số điện thoại mà các đối tượng sử dụng là số ảo, được tạo bằng phần mềm để gọi cho bị hại và đe doạ, tạo áp lực tâm lý, áp lực thời gian để bị hại không có thời gian suy nghĩ hay tham khảo ý kiến của người khác mà thực hiện theo yêu cầu của đối tượng.
Thượng tá Lý Trường Nhân, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Để nâng cao ý thức cảnh giác và chủ động phòng ngừa tội phạm giả danh các lực lượng chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh ban hành 7 văn bản cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đến các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố, các đơn vị tuyên truyền đến người dân nâng cao cảnh giác với các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng; phối hợp xây dựng, đăng tải 19 phóng sự, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 8 cuộc tuyên truyền cho gần 2.000 lượt đảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh… trên địa bàn; đăng tải 126 bài viết cảnh báo các phương thức, cách phòng ngừa lừa đảo trên không gian mạng, thu hút 92.000 lượt tiếp cận, 10.000 lượt tương tác…
Bà Hồ Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh khuyến cáo: Để phòng tránh việc trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người dân cần lưu ý khi cần làm việc, viện kiểm sát sẽ có giấy mời, giấy triệu tập người dân đến trụ sở cơ quan để làm việc trực tiếp, không làm việc qua điện thoại. Đối với các quyết định do viện kiểm sát ban hành như quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam, lệnh bắt tạm giam, phê chuẩn lệnh khám xét… Viện kiểm sát sẽ phối hợp với cơ quan điều tra để tống đạt trực tiếp cho người bị khởi tố, bị bắt, bị khám xét, việc giao tài liệu được lập thành biên bản, ngoài ra viện kiểm sát không gửi các quyết định qua điện thoại. Khi thi hành các lệnh, quyết định, cơ quan điều tra, viện kiểm sát sẽ đọc, giải thích các lệnh, quyết định. Trường hợp thi hành lệnh bắt, người bị bắt sẽ được giải thích quyền, nghĩa vụ và được nhận lệnh, quyết định. Khi tiến hành bắt giữ người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt giữ người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Đối với các số tài khoản có liên quan đến vụ án, cơ quan chức năng chỉ sử dụng thông tin sao kê tại ngân hàng (lịch sử giao dịch), không yêu cầu chủ tài khoản phải cung cấp thông tin về “tên đăng nhập” hay “mật khẩu đăng nhập” của tài khoản, không yêu cầu phải thực hiện các giao dịch chuyển tiền, do đó mọi yêu cầu chuyển khoản với lý do để phục vụ điều tra đều là hình thức lừa đảo. Khi có số điện thoại lạ trao đổi về các nội dung trên, người nghe cần hỏi rõ về cơ quan, đơn vị, tên cán bộ gọi đến, sau đó gọi đến số điện thoại của cơ quan, đơn vị này hoặc đến trụ sở để kiểm tra lại thông tin có chính xác hay không.
Thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng ngày càng phức tạp và tinh vi, do đó mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu thông tin cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo đã được cơ quan chức năng khuyến cáo; tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu, số OTP cho người lạ; không truy cập đường link lạ, không cài đặt phần mềm hoặc làm theo hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng trên mạng xã hội. Khi nhận được những cuộc điện thoại lạ yêu cầu chuyển tiền hoặc đặt vấn đề yêu cầu mở tài khoản ngân hàng để nhận, rút tiền không rõ nguồn gốc thì cần đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo để tránh bị thiệt hại tài sản.
Ý kiến ()