Tiếp tục các nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh Ebola
Những diễn biến mới cũng như những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc đẩy lùi dịch bệnh Ebola, các động thái xung quanh cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới tuần qua (từ 26 - 30/11). Bên cạnh đó, thiên tai, bạo lực, tai nạn cũng đã liên tiếp xảy ra trong tuần qua đã gây thiệt hại lớn về người và của tại nhiều quốc gia.
Diễn biến mới và những nỗ lực đẩy lùi dịch Ebola
Thử nghiệm vắcxin Ebola tại Trung tâm lâm sàng NIH ở bang |
* Ngày 24/11, Mali thông báo trường hợp lây nhiễm virus Ebola thứ 8. Các trường hợp lây nhiễm trước đó cũng mới được Bộ Y tế nước này khẳng định ngày 22/11 vừa qua. Ngoài ra, trong một báo cáo đánh giá tình hình dịch Ebola, giới chức Mali cũng cho hay 271 người có thể đã có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola đang được theo dõi chặt chẽ. Như vậy, Mali là quốc gia thứ 6 tại Tây Phi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát của dịch Ebola.
* Ngày 26/11, Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống Ebola (MINUAUCE) đã thông báo mở một văn phòng tại Mali. Theo đó, văn phòng này sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ các nỗ lực can thiệp của Mali trong 3 lĩnh vực đặc biệt, trong đó có việc tăng cường các phản ứng được triển khai của nước này, tăng cường mức độ chuẩn bị và hỗ trợ cho sự phối hợp xuyên biên giới của các nỗ lực giữa chính quyền Mali và Guinea.
* Ngày 26/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố số liệu mới nhất cho biết: chỉ trong vòng 1 tuần qua đã có thêm hơn 200 trường hợp tử vong do dịch bệnh Ebola, nâng số trường hợp tử vong lên 5.689 người trong tổng số 15.935 ca nhiễm virus Ebola ở 8 quốc gia. Những trường hợp tử vong trên chủ yếu rơi vào ba quốc gia vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Liberia (3.016 ca tử vong, 7.168 ca nhiễm bệnh), Sierra Leone (1.398 ca tử vong, 6.599 ca nhiễm bệnh) và Guinea (1.260 ca tử vong, 2.134 ca nhiễm bệnh). Hiện đã có 592 nhân viên y tế bị nhiễm virus Ebola và có tới 340 người tử vong do dịch bệnh này.
* Ngày 26/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã giải ngân khoản hỗ trợ trị giá 22 triệu euro nhằm giúp Liberia – quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh Ebola. Gói hỗ trợ trên nhằm hỗ trợ các dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế, cũng như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nguồn tiền được trích từ chương trình hỗ trợ phát triển và khôi phục nhanh đối với các quốc gia bị ảnh hưởng của dịch bệnh Ebola với số tiền lên đến 138 triệu euro.Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết viện trợ hơn 1 tỉ euro chống dịch Ebola và vừa bổ sung thêm 17 triệu euro. Cho đến nay, EC đã giải ngân 395 triệu euro để tài trợ các biện pháp khẩn cấp và hỗ trợ dài hạn cho các nước nhiễm dịch.
* Ngày 26/11, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo nước này đã thu được những kết quả khả quan ban đầu trong thử nghiệm vaccine phòng virus Ebola. Vaccine do Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID) thuộc NIH và hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đồng nghiên cứu, phát triển nhằm giúp cơ thể con người sản xuất kháng thể phòng Ebola. Vaccine được thử nghiệm tại trung tâm y tế của NIH ở thành phố Bethesda bang Maryland và đã cho những kết quả đáng khích lệ.
* Ngày 28/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới Guinea, trở thành nhà lãnh đạo Phương Tây đầu tiên đến thăm một đất nước bị đại dịch Ebola hoành hành. Dự kiến, ông Hollande sẽ đánh giá cơ chế phản ứng y tế đang bị cản trở do sự phối hợp yếu kém, khích lệ các nhà cung cấp viện trợ và giúp xoa dịu những lo ngại về loại virus nguy hiểm này.
* Ngày 28/11, Chính phủ Mali thông báo một người mắc bệnh Ebola đã được điều trị thành công tại quốc gia này. Đây là trường hợp mắc Ebola đầu tiên được chữa khỏi tại Mali. Ngoài ra, các nhà chức trách y tế của Mali cũng bác bỏ thông tin về một trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Tổng số, 285 người đã tiếp xúc với người mang virus Ebola đã được giám sát y tế chặt chẽ.
* Kết quả của nghiên cứu vừa được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố cho thấy, 70% người dân sinh sống tại các vùng bị tác động chỉ được ăn một bữa thay vì từ 2 – 3 bữa mỗi ngày, như tiêu chuẩn ở thời điểm trước khi dịch bệnh Ebola hoành hành. Được biết, trước đó vào tháng 9/2014, FAO cũng đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về an ninh lương thực” trong 3 quốc gia Tây Phi bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Ebola, do những hạn chế về đi lại, mua sắm do hoảng loạn, tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao.
Theo CPV
Ý kiến ()