Tiếp tục bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp
Bộ NN&PTNT đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính và các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Bộ NN&PTNT hướng tới việc khơi thông các vướng mắc trong kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp – Ảnh minh hoạ |
Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh tại 403 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành và 40 văn bản của các bộ, ngành khác ban hành liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hiện Bộ NN&PTNT tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo theo kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng. Trong đó, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; quán triệt, truyền thông, phổ biến nội dung chính sách, quy định mới; tác động, hiệu ứng của chính sách, pháp luật…
Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh thông tin về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, các vấn đề phát sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Về định hướng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới, ông Nam cho biết: “Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ sắp tới ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép nói chung cho các cơ sở kinh doanh để gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá: “Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã không để nợ ban hành văn bản. Nhiều nghị định đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển ĐBSCL, khắc phục hậu quả thiên tai… Đó là minh chứng trong việc quản lý, điều hành ‘đúng và trúng’ của Bộ. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần phát huy những kết quả đạt được và có những biện pháp tốt hơn nữa để tham mưu Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế…”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị, bên cạnh việc rà soát để phát hiện những khó khăn, vướng mắc và tiếp tục sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ những quy định gây khó trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì thái độ của những người làm công tác pháp chế và cán bộ, công chức Bộ cũng rất quan trọng. Cán bộ cần phải lắng nghe người dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()