Tiếp tục báo động về cuộc khủng hoảng tại Syria
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 7, ngày 9/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã lên tiếng báo động về một thất bại tập thể, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tăng cường hỗ trợ nhằm giảm bớt đau khổ cho hàng triệu dân thường.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi tuyên bố nêu rõ: “Nếu các biện pháp quyết liệt không được cam kết thực hiện để củng cố hòa bình và an ninh tại Syria thì tình hình sẽ vẫn còn xấu hơn nữa”.
Theo Liên hợp quốc, tại Syria, 13,5 triệu người đang phải sống phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo; 6,3 triệu người di cư trong nội bộ đất nước; hàng trăm nghìn người đã thực hiện những hành trình nguy hiểm để tìm kiếm nơi trú ẩn; và 4,9 triệu người Syria, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang tị nạn tại các quốc gia láng giềng, buộc các nước chủ nhà phải chịu những hệ quả về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.
“Rốt cuộc, cuộc xung đột tại Syria không phải là một vấn đề về các con số, đó là về con người” – ông Grandi đánh giá. “Các gia đình bị chia rẽ, dân thường vô tội bị giết hại, các ngôi nhà bị phá hủy, các doanh nghiệp và sinh kế bị làm tiêu tan. Đó là một thất bại tập thể”.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cũng cho biết thêm rằng UNHCR sẽ tiếp tục tiến hành hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân, tại Syria và trong khu vực. Cùng với các đối tác, cơ quan này sẽ cung cấp một sự hỗ trợ sống còn cho hàng triệu người.
Tuy nhiên, theo UNHCR, trong bối cảnh tình hình đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương thì các khoản đầu tư tài chính không may lại tụt hậu so với các nhu cầu. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 tới tại Brussels sẽ góp phần đánh giá về tương lai của Syria, trong đó có các vấn đề về đầu tư tài chính nhân đạo cần thiết. Trong năm 2017, Liên hợp quốc yêu cầu khoản tài chính trị giá 8 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu của người Syria trong nước cũng như tị nạn ở nước ngoài.
Lời kêu gọi được đưa ra sau nhiều cam kết quan trọng đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh London năm 2016, trong đó đặc biệt ủng hộ cho giáo dục cùng các phương tiện sinh kế, và điều thiết yếu là những nỗ lực này cần phải được duy trì.
“Chúng tôi kêu gọi các nhà tài trợ duy trì nguồn kinh phí đầy đủ và linh hoạt để chúng tôi có thể đáp ứng những nhu cầu khổng lồ” – ông Filippo Grandi chỉ rõ. “Tiền không làm chấm dứt đau khổ, nhưng đó là một cách hành động để đối mặt với tình trạng kịch phát của đói nghèo và cùng khổ. Các nguồn lực mà chúng ta hiện có rõ ràng không đủ để loại bỏ tất cả các thách thức này”.
UNHCR hy vọng rằng các sáng kiến hòa bình gần đây là cơ sở để giải quyết tình hình một cách bền vững. Tuy nhiên, theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, chỉ riêng các cuộc đàm phán hòa bình thì không đủ để thiết lập các điều kiện cần thiết cho người di cư quay trở lại. Và khi thiết lập được các nền tảng cho hòa bình và an ninh lâu dài thì chúng ta phải lường trước những nỗ lực tái thiết rất lớn và cam kết cho cả một thế hệ. Vấn đề quan trọng, theo ông Grandi là các hoạt động cứu trợ nhân đạo cần được tiếp tục duy trì và mở rộng để cung cấp hỗ trợ quan trọng cho những người có nhu cầu.
Ngày 8/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đã thông báo cho biết vòng hòa đàm thứ 5 tới sẽ được tổ chức vào ngày 23/3 nhằm tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan tới tiến trình quản trị, hiến pháp, bầu cử, chống khủng bố cũng như có thể thảo luận về quá trình tái thiết.
Phát biểu với báo giới sau khi báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về kết quả vòng đàm phán mới nhất về Syria tại Geneva, ông de Mistura đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng khi cho rằng dù vòng đàm phán vừa qua không có “phép màu”, song đã “đạt được nhiều hơn nhiều người nghĩ”./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()