Tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 2 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)
Chiều 9-5, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đã chủ trì cuộc họp xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 10 luật, cho ý kiến về 11 dự án luật, trong đó có dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là hai dự án luật khó, nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định trước khi trình Quốc hội, bởi đây là dự án luật có liên quan đến nhiều đối tượng, tới người lao động với nhiều vấn đề đáng quan tâm, như rút bảo hiểm xã hội một lần, mức lương…
Nhấn mạnh, sau Kỳ họp thứ sáu, đây là lần thứ hai, Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo với lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, tại cuộc họp hôm nay, Ủy ban Xã hội sẽ thể hiện rõ chính kiến, phương án lựa chọn. “Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là dự án luật khó, cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, đồng thời tính toán đến khả năng thực hiện”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.
Tại cuộc làm việc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã báo cáo việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và việc thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung cho ý kiến, làm rõ những vấn đề được nêu trong báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội như: Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi nghỉ hưu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; về việc bảo đảm sự tương thích, đồng bộ của Luật Bảo hiểm xã hội khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương; Quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;…
Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực triển khai tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); cũng như quá trình chuẩn bị Hồ sơ trình và thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đối với việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trên tinh thần Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cần quyết tâm trình thông qua luật này tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Để hoàn thiện, cần phải đi sâu vào vấn đề cụ thể, xử lý các vấn đề kỹ thuật của từng điều, khoản; quá trình thảo luận tại Quốc hội những phương án còn ý kiến khác nhau sẽ lấy phiếu của đại biểu Quốc hội;…
Đối với việc thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy tới đây, do đó cần tiếp tục lắng nghe, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Trong đó, lưu ý, cần bổ sung, hoàn thiện những nội dung tại kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc làm việc nhằm hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao nhất.
Ý kiến ()