Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai: Kết quả sau 1 năm thực hiện
LSO-Hơn nửa thế kỷ thực hiện các chính sách về Dân số-KHHGĐ, người dân Lạng Sơn đã quá quen với các phương tiện tránh thai (PTTT) phi lâm sàng không mất tiền, nay liệu họ có bỏ tiền túi ra để mua PTTT cho mình?
LSO-Hơn nửa thế kỷ thực hiện các chính sách về Dân số-KHHGĐ, người dân Lạng Sơn đã quá quen với các phương tiện tránh thai (PTTT) phi lâm sàng không mất tiền, nay liệu họ có bỏ tiền túi ra để mua PTTT cho mình?
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình đăng ký mua các phương tiện tránh thai kênh tiếp thị xã hội |
Từ tháng 6/2012, theo kế hoạch của Tổng cục Dân số- Bộ Y tế về tiếp thị xã hội PTTT, nhận lô hàng tiếp thị xã hội đầu tiên với bao cao su (BCS) và viên uống tranh thai liều thấp nhãn hiệu Night Happy, lãnh đạo Chi cục Dân số cũng không tránh khỏi băn khoăn lo lắng. Là một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người chấp nhận các biện pháp tránh thai cao là sử dụng các PTTT miễn phí. Nay phải mất tiền mua, liệu tỷ lệ chấp nhận có giảm đi?
Với lòng nhiệt tình và năng động của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, lại được Chi cục tập huấn chu đáo về kỹ năng vận động, tiếp thị; với thông điệp rõ ràng: “Người sử dụng chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng gần 40 ngàn đồng/ năm là được sử dụng một biện pháp tránh thai là BCS hoặc viên uống tránh thai nhãn hiệu Night Happy chất lượng cao, an toàn và không phải lo lắng có thai ngoài ý muốn”, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau để tạo ra hiệu quả. Thành phố Lạng Sơn là địa bàn có trình độ học vấn, có nhận thức và có khả năng kinh tế, nên dễ chấp nhận hơn. Được hưởng các dịch vụ miễn phí về chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp thị chu đáo, chị em đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua PTTT cho mình. Vì vậy trong 1 năm, thành phố đã bán được trên 61 ngàn BCS và 3.200 vỉ viên uống tránh thai. Dựa trên trình độ dân trí khá, nhận thức xã hội cao của các cặp vợ chồng trên địa bàn, cán bộ Chuyên trách Dân số thị trấn Na Dương (Lộc Bình), trau dồi kỹ năng tiếp thị cho đội ngũ cộng tác viên; tư vấn trực tiếp cho khách hàng là các cặp vợ chồng là công nhân trong độ tuổi sinh đẻ. Chị Hoàng Thị Tiến, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn cho biết, với phương thức tiếp thị năng động, phục vụ chu đáo, từ một vài người chấp nhận đã nhân lên số đông, từ công nhân đến các chị làm ăn buôn bán và cả những nông dân. Vì vậy, qua 1 năm, thị trấn đã bán được 1.850 BCS và 1.478 vỉ thuốc tránh thai với số tiền thu được gần 4,6 triệu đồng.
Nếu ở khu vực thành phố và thị trấn, sự tiếp thị và bán hàng tương đối thuận lợi, thì tại các đơn vị khó khăn, họ cũng có cách làm của riêng mình. Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Bình Gia cho biết, là huyện nghèo nhất tỉnh, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ ở khu vực nông thôn, vùng ĐBKK chiếm tỷ lệ cao, do vậy cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đoàn thể mới thuyết phục được các đối tượng. Vì vậy, chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận thôn cùng chuyên trách, cộng tác viên, kết hợp với hội phụ nữ để vận động. Rà soát lại đối tượng không được hưởng miễn phí và đến tận hộ gia đình trực tiếp giới thiệu tư vấn. Kết quả thật bất ngờ: trong 1 năm đã bán được 19.500 BCS và 5.600 vỉ viên uống tránh thai liều thấp. Tân Tri là một xã thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ, thế nhưng thói quen sử dụng miễn phí đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên phương pháp tiếp thị cũng cần có cách thức riêng. Địa phương đã lồng ghép việc tiếp thị với hoạt động của mô hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; trong đó vai trò của đoàn thanh niên, hội phụ nữ là quan trọng. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2013, ngoài việc đã có thêm 16 người áp dụng biện pháp đặt dụng cụ tử cung, 45 người dùng viên tránh thai miễn phí, địa phương đã có thêm 80 người dùng viên tránh thai và 12 người dùng BCS kênh tiếp thị.
Tiếp thị xã hội các PTTT là vấn đề mới đối với cả người tiếp thị- bán hàng và người tiếp nhận-mua hàng. Tuy vậy, nhờ có quyết tâm cao từ Chi cục đến cơ sở, nên đã thống nhất hành động. Mạng lưới cộng tác viên nhiệt tình, có kinh nghiệm truyền thông vận động lại được tập huấn khá “bài bản”, mức tiền mua các PTTT không lớn nên đã có hiệu quả. Chia sẻ vấn đề này, chị Lăng Thị Thom, cộng tác viên thôn Cây Sấu (Tân Thành- Hữu Lũng) cho biết: “Cộng tác viên phải biết tận dụng vai trò của trưởng thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong tiếp thị, biết nắm đối tượng và biết cách tuyên truyền thì người dân sẽ chấp nhận. Được nhà nước trợ giá 50%, bao cao su hiệu Night Happy chỉ còn 2 ngàn đồng/ vỉ 5 chiếc; viên uống tránh thai liều thấp được trợ giá 70%, chỉ còn 3 ngàn đồng/ vỉ, những cặp vợ chồng trẻ sẵn sàng bỏ tiền ra mua”. Vì vậy, thôn của chị đã đạt 150% về BCS và 128% viên tránh thai so với trên giao.
Ông Nông Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho rằng, trên 229 triệu thu được từ tiếp thị PTTT không phải là lớn so với hàng tỷ đồng mỗi năm cho các PTTT miễn phí trên địa bàn. So với kế hoạch Tổng cục dân số giao, công tác tiếp thị cũng mới hoàn thành được trên 40%, song Lạng Sơn được đánh giá là một tỉnh thành công nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc về tiếp thị xã hội PTTT. Quan trọng hơn, nó sẽ làm thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nhà nước của người dân, để người dân chung tay cùng nhà nước tháo gỡ khó khăn về kinh phí trong công tác Dân số-KHHGĐ nói riêng và các lĩnh vực khác. Trong thời gian tới, song song với cấp phát đủ phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng trong diện hưởng, Chi cục tăng cường chỉ đạo tiếp thị xã hội PTTT, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()