Tiếp thêm khát vọng thoát nghèo
LSO-Từ năm 2003, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện.
LSO-Từ năm 2003, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện. Qua chặng đường 10 năm, chương trình tín dụng hộ nghèo đã để lại dấu ấn sâu đậm ở khắp các vùng quê. Đó là những hiệu quả thiết thực, là động lực lớn lao giúp cho các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để tiếp tục chặng đường mới đồng hành cùng hộ nghèo, tiếp sức cho hộ nghèo vươn lên, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về chiều sâu, đảm bảo tăng trưởng dư nợ gắn với quản lý vốn an toàn và nâng cao hiệu quả vốn.
Phát triển chăn nuôi lợn từ sử dụng vốn vay tại xã Song Giang, huyện Văn Quan |
Là chương trình tín dụng ưu đãi lớn nhất, trong những năm qua, chương trình vốn cho vay hộ nghèo luôn chiếm trên 44% tổng dư nợ của 10 chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện. Hàng năm, doanh số cho vay không ngừng tăng lên, các hộ nghèo có nhu cầu đều được đáp ứng vốn kịp thời. Các hộ vay vốn đã đầu tư vốn đúng mục đích, đa dạng: mua máy móc, vật tư phân bón, đầu tư chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, trồng rừng… đem lại hiệu quả kinh tế khá. Tính từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn hộ thoát nghèo, ổn định đời sống nhờ được sử dụng nguồn vốn vay. Điển hình, như gia đình chị Phùng Thị Chương, thôn Nà Muồng, xã Văn An, huyện Văn Quan vừa thoát nghèo sau 3 năm được sử dụng nguồn vốn vay 20 triệu đồng vào chăn nuôi. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi thoát nghèo là nhờ có sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện vay vốn của ngân hàng. Bây giờ gia đình duy trì đàn lợn từ 8-10 con/lứa, đảm bảo cuộc sống và cho các con ăn học, không còn khó khăn, thiếu thốn và lo lắng vào mỗi mùa đói giáp hạt như trước đây”. Cũng từ nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo 30 triệu đồng, gia đình chị Vi Thị Na ở thôn Nà Lìn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc đã vươn lên thoát nghèo bền vững trong năm 2012. Hiện nhà chị có đủ máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt, máy bơm nước phục vụ tốt cho sản xuất… Không chỉ vay một lần, trong những năm qua có rất nhiều hộ nghèo được tạo điều kiện vay nhiều lần. Như gia đình chị Hà Thị Xuân ở thôn Còn Sung, xã Đình Lập, huyện Đình Lập được vay vốn hộ nghèo đến 3 lần, kể từ năm 2005 đến nay. Hiện gia đình vẫn đang sử dụng 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo vào chăn nuôi lợn để thực hiện ước mơ thoát nghèo…
Hiệu quả của chương trình vốn cho vay hộ nghèo đã để lại dấu ấn ở khắp các vùng quê, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo. Hiện nay, tổng dư nợ chương trình là 761,162 tỷ đồng, với 36.540 hộ đang thụ hưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao, chiếm trên 21%, trong đó đa số hộ nghèo là do thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất. Khác với các chương trình khác, đối tượng hộ nghèo chủ yếu ở các vùng sâu, xa, vùng khó khăn, mặt bằng nhận thức của họ chưa cao, dẫn đến sản xuất còn khó khăn, nhỏ lẻ, kết quả bấp bênh; nợ quá hạn tăng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn vốn. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách đã xác định rõ nhiệm vụ trong năm 2013 là không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn nhanh, kịp thời, mà phải đảm bảo tăng trưởng dư nợ an toàn và hiệu quả nhất. Theo ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh tỉnh, để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, trong đó tuyên truyền sâu về chính sách vốn. Nếu như trước đây chỉ tuyên truyền chung về mục đích chính sách vốn, mức cho vay, thời hạn vay, quy trình, thủ tục vay, thì năm 2013 tuyên truyền sâu các quy định về trả nợ, trả lãi, điều kiện và thủ tục được gia hạn nợ, vay lưu vụ… để các hộ vay nắm rõ chính sách, yên tâm sản xuất và nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn. Trong 8 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng tập trung tuyên truyền thông qua các cuộc họp của khối phố, thôn, bản, các cuộc giao ban của 4 tổ chức chính trị nhận ủy thác vốn; tuyên truyền trực tiếp trong các buổi giao dịch tại điểm giao dịch xã, đặc biệt là tuyên truyền thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Để tuyên truyền tốt thông qua các tổ, chi nhánh đã quan tâm củng cố, kiện toàn ban quản lý của 2.830 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức tập huấn cho các tổ vay vốn hoạt động còn ở mức trung bình (15% số tổ hoạt động trung bình). Qua đó, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu sát, thường xuyên tới các hộ dân, đồng thời, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn được chặt chẽ và giúp đỡ kịp thời các hộ vay khắc phục khó khăn, sử dụng vốn có hiệu quả.
Từ tuyên truyền, nâng cao chất lượng tín dụng, doanh số giải ngân hộ nghèo năm 2013 đạt 137,716 tỷ đồng, có 5.356 hộ được vay mới, dư nợ tăng trưởng hơn 30 tỷ đồng so với đầu năm 2013. Nguồn vốn đảm bảo an toàn, doanh số thu nợ được 106,767 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch giải ngân cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()