Tiếp sức thanh niên lập nghiệp
LSO-Hơn 10 năm qua, nguồn vốn 120 - Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã giúp nhiều thanh niên Lạng Sơn được tiếp thêm động lực làm giàu chính đáng. Hiện, nguồn vốn được các thanh niên sử dụng đúng mục đích, hứa hẹn đem đến những tín hiệu khả quan.
Anh Hoàng Trọng Nghĩa (thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng):“Nguồn vốn 120 giúp tôi có cơ hội tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở sản xuất”.
Năm 2010, tôi khởi nghiệp bằng việc xây dựng cơ sở sản xuất rượu thủ công. Sau đó, tôi mở rộng đầu tư sang chăn nuôi lợn. Bình quân mỗi năm, cơ sở của tôi bán ra thị trường khoảng 20.000 lít rượu, 80 con lợn thịt, trừ chi phí thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Cuối năm 2016, tôi nghiên cứu thử nghiệm sản xuất tinh bột nghệ (theo mùa vụ), vụ tinh bột nghệ đầu tiên, tôi thu được 200 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng bột nghệ sản xuất được không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tôi có kế hoạch tăng quy mô và sản lượng để đáp ứng đủ cho thị trường nhưng còn thiếu vốn. Tháng 6 vừa rồi, được vay 160 triệu đồng từ nguồn vốn 120; tôi có vốn để nhập thêm nhiều gạo hơn phục vụ việc nấu rượu, mua được máy vo viên và chuẩn bị xây phòng sấy điều hòa phục vụ cho việc chế biến tinh bột nghệ. Tôi tin rằng vụ sản xuất tinh bột nghệ sắp tới sẽ cho năng suất cao, dự kiến sẽ nâng thu nhập của tôi lên trên 500 triệu đồng/năm.
Chị Lưu Thị Thuận (thôn Dương Bản, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình):“Tăng 50% thu nhập nhờ đầu tư từ nguồn vốn 120”.
Tôi có trang trại chăn nuôi ở nhà và thuê mở cửa hàng bán thuốc thú y ở thị trấn Na Dương. Nhận thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao, tôi muốn đầu tư mua thêm các loại thức ăn gia cầm và dụng cụ phục vụ chăn nuôi nhưng chưa đủ vốn và cửa hàng cũng còn chật hẹp. Qua tổ chức đoàn, năm 2015, tôi đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn 120. Từ đó, tôi có thêm vốn để mở rộng cửa hàng từ 30 m² lên 100 m²; nhập thêm nhiều loại thuốc thú y, đa dạng các mặt hàng dụng cụ chăn nuôi; mua thêm được 20 con lợn; 500 con gà, vịt và bắt đầu bán thức ăn chăn nuôi. Hiện tôi đang tạo việc làm cho 4 người với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Từ khi dự án mở rộng quy mô chăn nuôi và kinh doanh được thực hiện, 2 năm qua, thu nhập của gia đình tôi đã tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng/ năm.
Anh Vi Văn Chiến (thôn Tiên Phi, xã Bính Xá, huyện Đình Lập):“Sắm được 4 chiếc máy mới, nâng cao năng suất làm việc”.
Cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng của tôi đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho 5 – 10 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đặc thù nghề mộc là nếu không có lượng gỗ được phơi khô thường xuyên thì công việc có thể bị đình trệ. Do mới mở cơ sở được 3 năm nay nên tôi cũng chưa có nhiều vốn để đầu tư mua thêm nhiều gỗ về ngâm và phơi. Khi được cán bộ đoàn xã giới thiệu về nguồn vốn 120, tôi đã lập dự án và được xét duyệt. Với 150 triệu đồng được vay, tôi đã mua 4 chiếc máy mới cao cấp hơn và nhập được thêm nhiều gỗ có chất lượng tốt, đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho cơ sở của mình. Tôi quyết tâm nâng thu nhập của mình từ 120 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/ năm.
Hiện nay, Lạng Sơn có 13 dự án của thanh niên đang sử dụng nguồn vốn 120 với tổng số vốn là 1,75 tỷ đồng. Trong đó, các dự án nằm trong loại hình công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; nông, lâm, ngư nghiệp. |
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()