"Tiếp sức mùa thi" - Linh hoạt, sáng tạo tiếp sức sỹ tử trong dịch
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai, hỗ trợ thiết thực cho các sỹ tử.
Nhìn lại chặng đường 20 năm, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với từng phương thức tổ chức kỳ thi, từng địa phương, đơn vị, đáp ứng mục tiêu hỗ trợ tối đa cho thí sinh và người nhà vào mỗi kỳ thi.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai, hỗ trợ thiết thực cho các sỹ tử.
Linh hoạt đổi mới
Bắt đầu được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đạo cùng một số đơn vị tổ chức từ năm 2001, đến nay, qua 20 năm hoạt động, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã khẳng định là một chương trình tình nguyện có giá trị nhân văn cao cả, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần tích cực vào thành công chung của các kỳ thi.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Chương trình không chỉ tiếp sức cho thí sinh vững tin hoàn thành kỳ thi mang tính chất quyết định đến tương lai mà còn tạo ra môi trường bổ ích để đoàn viên, sinh viên rèn luyện, trải nghiệm thực tế, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng. Trong chặng đường 20 năm đó, có thể thấy những kết quả của Chương trình được chia làm hai giai đoạn từ 2002-2014 và từ 2015 đến nay.
Ở mỗi giai đoạn, “Tiếp sức mùa thi” đã mang lại những hiệu quả rõ nét, giải quyết được những yêu cầu đặt ra mang tính chất cấp thiết.
Ở giai đoạn 2002-2014, “Tiếp sức mùa thi” đã hỗ trợ thí sinh và người nhà trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại 7 cụm thi ở 7 tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm. Những ngày đầu triển khai, khi những áp lực giao thông, phương tiện di chuyển, lưu trú, an toàn vệ sinh thực phẩm… cho thí sinh và người nhà trở thành vấn đề nóng, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã chỉ đạo trong hệ thống tổ chức Hội triển khai các đội hình sinh viên tình nguyện hoạt động tại các bến xe, ga tàu, ngã tư đường phố dẫn vào nội đô; tìm kiếm và giới thiệu nhà trọ, quán ăn miễn phí, giá rẻ; tham gia phân luồng giao thông tại khu vực cổng trường thi.
Từ những hoạt động sơ khai ban đầu, theo thời gian, tên gọi của các đội hình, mô hình với những hoạt động chính yếu đã được ra đời – đảm nhận các công việc riêng biệt cụ thể tại các khu vực cụ thể. Có thể kể đến mô hình đội giữ gìn trật tự an toàn giao thông; đội xe ôm miễn phí; đội hỗ trợ tư vấn thông tin; đội đón tiếp, tìm kiếm phòng trọ; đội cung cấp suất cơm, nước uống miễn phí…
Chương trình Tiếp sức mùa thi giai đoạn này thực sự đã giải quyết được các áp lực ngoại biên của kỳ thi dồn về các tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức cụm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây cũng là thời kỳ mà dấu ấn của mô hình sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” thực sự ghi sâu trong lòng nhân dân, xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, cùng với sự thay đổi hình thức kỳ thi Trung học Phổ thông, “Tiếp sức mùa thi” được triển khai rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là giai đoạn chứng kiến sự chuyển mình trong phương thức chỉ đạo, triển khai chương trình theo hướng phân quyền rộng rãi trong các trường đại học, cao đẳng và về các địa phương, địa bàn dân cư, mở rộng thời gian triển khai hoạt động lên trước kỳ thi.
Các đội hình không chỉ có sinh viên mà còn có lực lượng thanh niên địa phương, giáo viên, giảng viên trẻ. Việc tiếp sức cho thí sinh bắt đầu sớm hơn với các hoạt động tổ chức hỗ trợ ôn tập kiến thức, luyện thi trước kỳ thi.
Công tác điều hành, chỉ đạo, triển khai chương trình ở giai đoạn này có sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Thông tin được tiếp nhận, tổng hợp, xử lý thông qua các website, trang mạng xã hội giúp tình nguyện viên tiếp cận nhanh hơn với thí sinh có nhu cầu.
Thích ứng với tình hình
Trong hai năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một lần nữa cho thấy sự chuyển biến kịp thời trong tư duy chỉ đạo của Ban Tổ chức và sự vận hành linh hoạt của các cấp bộ Đoàn, Hội trong triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi.”
Các hoạt động tiếp sức mùa thi đã được triển khai song song với cộng tác phòng, chống dịch như hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch; tuyên truyền các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh…
Mô hình “Mỗi giáo viên, giảng viên trẻ, sinh viên hỗ trợ một thí sinh” trong giai đoạn này chứng tỏ hiệu quả không chỉ bằng hình thức trực tiếp mà còn theo hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng các phần mềm giảng dạy trực tuyến, tương tác bằng video.
Là địa phương triển khai thành công mô hình này trong thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Nghệ An Thái Minh Sỹ chia sẻ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, dẫn đến việc tổ chức học, ôn tập tập trung cho các em học sinh cuối cấp, đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số không thể thực hiện được tại nhiều địa phương, gây tâm lý hoang mang trong dư luận.
Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã xác định “Mỗi sinh viên, giảng viên, giáo viên trẻ hỗ trợ một thí sinh” là mô hình thiết thực, phù hợp thực tế. Do đó, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình tại Nghệ An bên cạnh việc triển khai cho các thí sinh ôn tập thông qua cổng thông tin trực tuyến do Trung ương triển khai.
Để hoạt động hỗ trợ được diễn ra hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thí sinh, Nghệ An đã tiến hành khảo sát nhu cầu của thí sinh; xây dựng các đội hình tình nguyện hỗ trợ đủ tiêu chuẩn; chủ động vận động, tìm kiếm và cho mượn laptop, máy tính bảng kèm sim data hoặc tặng máy tính bảng, điện thoại thông minh cho những thí sinh khó khăn có nhu cầu học trực tuyến.
Hoạt động hỗ trợ được triển khai tùy theo tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, có nguy cơ cao sẽ triển khai hoạt động thông qua hình thức trực tuyến. Ở địa phương chưa có dịch, nguy cơ thấp, vùng khó khăn không có điều kiện tiếp xúc với Internet thì linh hoạt triển khai theo hình thức trực tiếp từng cặp…, ông Thái Minh Sỹ chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai các hoạt động của “Tiếp sức mùa thi” càng đươc các cấp bộ Đoàn, Hội tích cực triển khai. Nhiều đơn vị đã thành lập các đội tư vấn và hỗ trợ online (trực tuyến), giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan đến tuyển sinh trên trang thông tin, mạng xã hội; xây dựng bản đồ trực tuyến, làm video clip để tư vấn, hướng dẫn…
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh Lê Xuân Dũng cho biết trong giai đoạn 2015-2021, Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức hiệu quả Chương trình Tiếp sức mùa thi.
Cụ thể là áp dụng hệ thống Chatbot Messeger để thông tin về chương trình và triển khai cho sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia các hoạt động; vận dụng hiệu quả trang fanpage để thành lập đội hình truyền thông; thiết lập kênh thông tin, triển khai chương trình qua ứng dụng tiện ích trên thiết bị di động dành cho sinh viên (app SV360) và chủ động tập huấn các đội hình thông qua nền tảng ứng dụng trực tuyến.
Theo ông Lê Xuân Dũng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của chương trình là xu thế không thể thiếu được trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, ứng dụng công nghệ đã tạo điều kiện cho việc lan tỏa thông tin nhanh chóng, kịp thời và tăng đối tượng thụ hưởng.
20 năm là một khoảng thời gian dài cho một hoạt động ra đời, tồn tại, vận động, phát triển, “Tiếp sức mùa thi” đã khẳng định chỗ đứng, sức sống trong tổng thể phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam.
Những giá trị, hiệu quả mà chương trình mang lại đã góp phần làm nên thành công của mỗi mùa thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông; tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và niềm tin để các sỹ tử thực hiện thành công ước mơ bước vào giảng đường đại học, cao đẳng…/.
Ý kiến ()