Xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực quan trọng, mang lại nguồn thu lớn và thể hiện được tiềm năng xuất khẩu của quốc gia đó. Xuất khẩu dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó, dịch vụ được cung ứng bởi một thương nhân (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) tới người tiêu dùng (các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) quốc gia khác, thông qua bốn hình thức: Xuất khẩu qua biên giới; Nhà cung ứng di chuyển sang quốc gia khác; Người sử dụng dịch vụ di chuyển tới quốc gia cung ứng dịch vụ; Nhà cung ứng và người tiêu dùng cùng di chuyển đến một quốc gia thứ ba.
Xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng khi kim ngạch xuất khẩu dịch vụ những năm gần đây chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD/năm, so với 35 tỷ USD của Thái Lan, 32 tỷ USD của Malaysia và 20 tỷ USD của Indonesia…
Báo cáo Đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia vừa được Bộ Công thương công bố, nhiều mặt hàng dịch vụ đã được xếp vào nhóm có tiềm năng cao như du lịch, xuất khẩu lao động và nhóm tiềm năng trung bình là dịch vụ vận tải, phần mềm…
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đã tăng gần như liên tục qua các năm. Thời kỳ 2006-2013, tăng 11,9%/năm, cao gấp rưỡi tốc độ tăng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra trong thời gian tương ứng (7,18%/năm). Một số dịch vụ đã có xuất siêu, như dịch vụ du lịch (năm 2005, xuất siêu 1,4 tỷ USD; năm 2010, xuất siêu 2,98 tỷ USD; năm 2013, xuất siêu 5,48 tỷ USD); dịch vụ bưu chính viễn thông (năm 2005, xuất siêu 69 triệu USD; năm 2010, xuất siêu 58 triệu USD; ước năm 2013, xuất siêu 102 triệu USD).
Xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng với tốc độ cao nhất (tăng 16%/năm) và gấp rưỡi tốc độ tăng tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Kim ngạch dịch vụ du lịch còn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và không ngừng tăng lên (năm 2005, chiếm 53,9%; năm 2010, chiếm 59,7%; ước năm 2013, chiếm 71,7%).
Năm 2013 so với năm 2005, xuất khẩu dịch vụ đã tăng 146,2%, bình quân năm tăng 11,9%. Đó là tốc độ tăng khá, cao hơn tốc độ tăng GDP của nhóm ngành này trong thời kỳ 2006 – 2010, tăng 11,8%/năm. Thời kỳ 2011 – 2013, tăng 12,1%/năm, cũng cao hơn thời kỳ 2006-2010.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới chỉ xếp du lịch Việt Nam ở vị trí 80/140 về chỉ số cạnh tranh trên thế giới, thứ 16/25 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
WB cho rằng, Việt Nam đang chiếm khoảng 1,8% thị trường kiều hối trị giá 480 tỷ USD của toàn thế giới, với tổng số khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tại, xuất khẩu lao động của Việt Nam mới chỉ tập trung vào các nghề đơn giản, như: xây dựng, cơ khí, dệt may, chế biến thủy sản, dịch vụ, vận tải biển; trong khi nguồn nhân lực tiềm năng chuyên môn cao, như công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm, dịch vụ tài chính dịch vụ vận tải – logistics… chưa được quan tâm đào tạo và xuất khẩu.
Việt Nam được đánh gia là nước đứng thứ tám trên thế giới về gia công phần mềm. Năm 2013, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong top 100 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm, trong đó, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 16 và Hà Nội xếp thứ 23.
Một số dịch vụ khác, như dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ Chính phủ… có kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ bé và Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ so với GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra còn thấp và có xu hướng giảm.
Đặc biệt, trong xuất/nhập khẩu dịch vụ vận tải, Việt Nam ở vị thế nhập siêu lớn và tăng nhanh, từ 1,023 tỷ USD năm 2005, lên 4,29 tỷ USD năm 2010, lên 5,999 tỷ USD ước năm 2013). Tỷ lệ nhập siêu dịch vụ vận tải so với kim ngạch xuất khẩu dịch vụ vận tải năm 2005 ở mức 87,7%, năm 2010 ở mức 186%, năm 2011 ở mức 269,4%, năm 2012 ở mức 321% và ước năm 2013 ở mức 316,4%.
Đối với lĩnh vực vận tải – logistics, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ này của Việt Nam trong năm 2012 chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 0,24% thị phần của thế giới. Trong chín tháng đầu 2016, nhập khẩu dịch vụ cả nước ước tới 12,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, riêng nhập khẩu dịch vụ vận tải tới 6,6 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng kim ngạch và tăng 2,2%… Xuất khẩu dịch vụ ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 12,8%, trong đó, xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 6,3 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng kim ngạch và tăng 17,9%.
Hiện, hầu hết các hãng logistics lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam và thị trường trong nước có hơn 1.000 doanh nghiệp tư nhân trong ngành này đang hoạt động. Nếu biết kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành thì tiềm năng xuất khẩu cùa ngành này sẽ vượt lên khỏi mức trung bình hiện nay.
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển, kể cả của các nước mới nổi và của Việt Nam cho thấy, việc tập trung cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa – thậm chí trở thành công xưởng của thế giới – đang được xem xét lại. Xuất khẩu hàng hóa và xuất siêu về hàng hóa sẽ bị giảm ý nghĩa, nếu lại nhập siêu lớn và ngày một tăng về dịch vụ. Các nước phát triển đang nhập, thậm chí nhập siêu rất lớn về hàng hóa để được hưởng giá cả rẻ, hưởng chênh lệch cánh kéo tỷ giá, hưởng giá nhân công rẻ, chuyển ô nhiễm trực tiếp ra nước ngoài… trong khi đó lại xuất siêu lớn về dịch vụ vận tải, tài chính, bảo hiểm, cho vay đầu tư (cả trực tiếp, cả gián tiếp, cả dưới dạng hỗ trợ chính thức)…
Có thể khẳng định, trong xuất khẩu dịch vụ, Việt Nam có nhiều thuận lợi cả về thị trường và cơ cấu dịch vụ, phương thức xuất khẩu và điều kiện cần thiết để triển khai xuất khẩu dịch vụ chất lượng cao.
Về có cấu dịch vụ xuất khẩu, Việt Nam có thể xuất khẩu các dịch vụ du lịch, viễn thông, các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính – viễn thông, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo, tư vấn, vận tải công cộng..
Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu dịch vụ chất lượng cao tại chỗ cho cộng đồng các thể nhân và doanh nghiệp FDI và các cơ quan đại diện về ngoại giao, thương mại, báo chí, hiệp hội và tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Những thành tựu và chất lượng nhân lực trí thức trình độ cao trong ngành y tế và giáo dục Việt Nam cũng là cơ hội để xuất khẩu các dịch vụ này.
Nhiều nhà kinh doanh dịch vụ quốc tế đã thiết lập các cơ sở cung ứng dịch vụ tại Việt Nam như dịch vụ giáo dục hay bảo hiểm, du lịch… Các doanh nghiệp của Hà Nội chính là đầu mối tiếp cận và kết nối với các nhà cung ứng dịch vụ của quốc tế đến với Việt Nam. Những thành công trên đây cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội diễn ra đúng với cam kết quốc tế.
Việt Nam tham gia các hiệp định FTA, nhất là AEC và TPP,… đã mở ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ đến các thị trường lớn, nhất là sự tự do di chuyển lao động có tay nghề qua biên giới các nước thành viên; cụ thể với AEC, lao động trong tám ngành nghề dịch vụ đã được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương được tự do di chuyển nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ cũng có thêm cơ hội trong 12 ngành khuyến khích liên kết sản xuất theo cam kết AEC, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khỏe; Du lịch; và Logistics.
Riêng với TPP khi được thông qua, sẽ là cú đột phá tạo sân chơi mới rộng mở cho xuất khẩu các dịch vụ tài chính – ngân hàng dưới hình thức xuất khẩu thương mại điện tử qua biên giới mà không cần hiện diện thể nhân…
Trên bình diện chung, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Đặc biệt, mức thuế và thời gian nộp thuế đã có sự cải thiện đầy ấn tượng. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 20% năm 2016 và dự kiến chỉ còn 17% vào năm 2017, thậm chí còn 15% cho doanh nghiệp khởi nghiệp so với mức 32% năm 1999. Thời gian nộp thuế chỉ còn dưới 117 giờ. Đồng thời, lãi suất và điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp được cải thiện theo hướng thấp hơn và thông thoáng hơn.
Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông quan rút ngắn hơn. Tính chất tự do hóa và bình đẳng kinh doanh thị trường được tô đậm hơn. “Room” cho các nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng hơn. Khu vực DNNN giảm dần về quy mô, tỷ trọng và thu hẹp độc quyền. Khu vực DN tư nhân ngày càng được coi trọng và hồi phục…
Ngoài ra, còn hàng trăm hiệp định kinh tế – thương mại song phương và đa phương, với hàng chục FTA thế hệ mới đã được Việt Nam ký kết hoặc đang đàm phán thuận lợi nhiều hiệp định khác, trong đó, có với hầu hết các nền kinh tế G20 và các thị trường lớn khác trên thế giới… Sự cộng hưởng của xung lực tích cực trên đã tạo sự đột phá cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, được dư luận cả trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh những thuận lợi thì việc thực hiện xuất khẩu dịch vụ cũng có những khó khăn nhất định, như tình hình thế giới đang diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ và sự cạnh tranh gia tăng ở các nước đối tác xuất khẩu của Việt Nam. Sự tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức chưa thật tốt. Thể chế kinh tế thị trường chậm được hoàn thiện và phát triển thiếu đồng bộ. Chất lượng tăng trưởng và sức bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện.
Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, đổi mới; chuyển giao công nghệ ít được quan tâm. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của tình hình cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Năng lực và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cấp, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; Cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ trương của Đảng chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ, chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân chưa nhận thức sâu sắc và chưa chủ động tận dụng các cơ hội; đồng thời, chưa thấy rõ thách thức để chủ động ứng phó; chưa lường trước được các hoạt động tiêu cực ở nước ngoài để có những biện pháp hạn chế hữu hiệu.
Hơn nữa, khó khăn xuất khẩu dịch vụ còn đến do nhiều dịch vụ chưa thực sự đa dạng, có chất lượng và có thương hiệu; tính chuyên nghiệp và tuân thủ các quy chuẩn quốc tế thấp. Sự công nhận các văn bằng chứng chỉ nghề và chuyên môn, các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa Việt nam với các nước còn chưa được quan tâm hoặc nhiều hạn chế.
Để đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ cả theo hướng xây dựng danh mục cơ cấu sản phẩm dịch vụ quy chuẩn, vừa tăng cường các giải pháp hỗ trợ đồng bộ cần thiết và có tính đột phá cao, được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu và chương trình hành động hàng năm.
Trong đó, chú ý xây dựng các chính sách đặc thù thích hợp hỗ trợ doanh nghiệp cả về thông tin, tín dụng và mặt bằng kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu sản phẩm dịch vụ; xây dựng và ban hành khung giá đất sát với giá thực tế thị trường; hoàn thành việc rà soát quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất; tập trung thực hiện kế hoạch công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kế hoạch…
Đồng thời, quan tâm củng cố tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ và cấp độ chuyên nghiệp hiệu quả trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện giúp đỡ DN và các nhà đầu tư tìm kiếm thị trường xuất khẩu dịch vụ theo trọng tâm, tập trung vào các đối tác chiến lược, các địa bàn trọng điểm ở nước ngoài. Thường xuyên tổ chức giao ban và giao lưu, gặp mặt doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; giải quyết các đề xuất kiến nghị hợp lý, không thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành địa phương…
Ý kiến ()