Tiếp sức cho học sinh vùng khó
– Bên cạnh việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục tỉnh còn quan tâm triển khai tốt các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh, nhằm tiếp sức cho học sinh vùng sâu, vùng xa đến trường học tập.
Học sinh xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đến trường trong trang phục truyền thống
Toàn tỉnh hiện có 670 trường học với trên 200.000 học sinh, trong đó có trên 170.000 học sinh là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nói chung, GD&ĐT đối với học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nói riêng, ngành giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ học sinh.
Cụ thể để đảm bảo tốt công tác giáo dục ở các xã khó khăn, ngành giáo dục tỉnh đã duy trì các trường phổ thông dân tộc bán trú từ cấp tiểu học đến THCS. Hiện tại toàn tỉnh có 200 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 44% số xã khu vực III, toàn ngành duy trì 99 trường với trên 16.000 học sinh theo học tại các xã thuộc khu vực III. Từ năm học 2016 – 2017 đến nay, trong mỗi năm học, có trên 10.000 học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15 kg gạo theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, học sinh dân tộc thiểu số tại các trường tiểu học, THCS thuộc thôn, xã vùng sâu, vùng xa và học sinh ở xa trường từ 4 – 7km đều được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Em Triệu Nam Hà, lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở xa trường, những năm học tại trường, em đều được hỗ trợ miễn giảm học phí. Với sự hỗ trợ này đã giúp em tham gia học tập đầy đủ. Đó cũng là động lực để em quyết tâm học tập thật tốt.
Ngoài các chính sách hỗ trợ học sinh của Nhà nước, ngành giáo dục tỉnh còn tích cực vận động xã hội hoá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, trong năm học vừa qua, thực hiện công tác xã hội hoá, toàn ngành đã huy động được hơn 7,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 17.836 học sinh và 2.598 giáo viên. |
Ngoài các chính sách hỗ trợ học sinh của Nhà nước, ngành giáo dục tỉnh còn tích cực vận động xã hội hoá, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, trong năm học vừa qua, thực hiện công tác xã hội hoá, toàn ngành đã huy động được hơn 7,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 17.836 học sinh và 2.598 giáo viên. Cùng đó, ngành thực hiện hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em”, huy động được hơn 3,1 tỷ đồng, phân bổ được 1.500 máy tính bảng kèm 1.000 Sim ưu đãi data cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, sự nỗ lực, chung tay của ngành giáo dục và toàn xã hội trong việc hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần quan trọng trọng để các em yên tâm đến trường. Ghi nhận từ năm học 2022 – 2023 đến nay, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đi học đạt 99,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội đạt 100%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,33%; tỷ lệ học sinh đi học lớp 1 đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,88%; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi cấp THCS đạt 99,64%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,57%. Ở cấp THPT, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,42% (cao hơn năm trước 0,47%).
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với học sinh ở vùng khó khăn, những năm qua, các cấp, ngành liên quan và ngành GD&ĐT tỉnh đã kịp thời hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa có thêm điều kiện để tham gia học tập xuyên suốt qua các bậc học, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh. Từ việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh, đã góp phần quan trọng vào thực hiện phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách của nhà nước, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác xã hội hoá, nhằm bổ sung nguồn lực hỗ trợ tốt hơn nữa cho các em học sinh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo động lực để các em học sinh vùng khó yên tâm đến trường.
Ý kiến ()