Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đác Nông xuống các thôn, buôn tư vấn về Chương trình vay vốn tín dụng với HS, SV nghèo. Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - xã hội (CSXH) tỉnh Đác Nông đã tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhiều HSSV là con em các hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã được tiếp sức để đến trường học tập, thực hiện những mơ ước, hoài bão của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp.ĐÁC NÔNG là một tỉnh miền núi và thuộc diện khó khăn nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 71 xã, phường, thị trấn với dân số khoảng 520 nghìn người, trong đó có 25 xã đặc...
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đác Nông xuống các thôn, buôn tư vấn về Chương trình vay vốn tín dụng với HS, SV nghèo. |
Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách – xã hội (CSXH) tỉnh Đác Nông đã tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhiều HSSV là con em các hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã được tiếp sức để đến trường học tập, thực hiện những mơ ước, hoài bão của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp.
ĐÁC NÔNG là một tỉnh miền núi và thuộc diện khó khăn nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 71 xã, phường, thị trấn với dân số khoảng 520 nghìn người, trong đó có 25 xã đặc biệt khó khăn, biên giới; đồng bào DTTS chiếm 34,5% dân số và số hộ nghèo, cận nghèo chiếm 22% dân số; các đối tượng chính sách đông và đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các hộ dân sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế cũng như nuôi con ăn học của nhân dân là rất lớn. Một thời gian dài trước đây, khi chưa có chính sách tín dụng đối với HSSV, nhiều HSSV là con em các hộ nghèo tuy có học lực khá giỏi nhưng do đời sống gia đình quá khó khăn, không đủ điều kiện nuôi ăn học nên các em phải bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ giúp gia đình, gác lại những ước mơ, hoài bão chinh phục tri thức và tiến thân trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Đác Nông Bùi Đăng Khoa cho biết: Để mọi người dân biết chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước nói chung, vốn tín dụng đối với HSSV nói riêng thông qua Ngân hàng CSXH, đồng thời để giải ngân, đưa nhanh các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người dân phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ngay từ khi triển khai thực hiện chính sách này, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã ký văn bản liên tịch với bốn tổ chức chính trị – xã hội là Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Tỉnh đoàn để ủy thác vốn vay nhằm đưa nhanh nguồn vốn đến với hội viên, đoàn viên và nhân dân. Đồng thời, thông qua các tổ chức chính trị – xã hội này giúp cho việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hằng năm Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch trong toàn tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các đoàn thể chính trị, xã hội ở địa phương thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi họp thôn, buôn… để lồng ghép tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước để nhân dân biết. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã mở điểm giao dịch tại 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, cứ tới ngày quy định ngân hàng sẽ xuống tận xã để giải ngân, thu hồi vốn. Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phát hành thẻ ATM miễn phí cấp cho các hộ nghèo vay vốn và đến kỳ giải ngân thông qua thẻ ATM nên rất thuận lợi.
Với cách làm sáng tạo đó của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay các chính sách vay vốn ưu đãi nói chung, vốn tín dụng đối với HSSV nói riêng đã thật sự đến với mọi người dân trên địa bàn và dư nợ ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh nếu như năm 2005 tổng dư nợ của chi nhánh chỉ đạt 72 tỷ đồng thì đến hết quý I-2012 tăng lên hơn 1.048 tỷ đồng với 60.083 khách hàng vay vốn, trong đó dư nợ đối với chương trình tín dụng HSSV vay đạt hơn 164 tỷ đồng với 9.704 khách hàng vay. Chương trình tín dụng đối với HSSV được đánh giá là một trong ba chương trình có doanh số cho vay cao nhất trong tổng số 10 chương trình cho vay của chi nhánh. Trong những năm qua, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều HSSV nghèo, con em đồng bào DTTS ở Đác Nông đã có điều kiện tiếp tục đến trường học tập.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn là một trong những hộ nghèo ở thôn Đác Tân, xã Đác Nia, thị xã Gia Nghĩa, những năm qua nhờ vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV nên đã có điều kiện lo cho các con theo học đại học. Bà Nhạn tâm sự: “Gia đình tôi có ba người con, năm 2007, con trai lớn là Lục Văn Hạnh thi đậu vào Trường đại học Công nghệ thực phẩm Đồng Nai, gia đình tôi vừa mừng lại vừa lo, mừng vì con được đi học có cái nghề, còn lo vì nhà nghèo không có tiền để nuôi con ăn học. Gần đến ngày con vào trường nhập học, tôi chạy vạy mượn tiền khắp nơi nhưng do gia đình nghèo người ta không cho mượn. Trong lúc bế tắc, thương con chưa biết phải xoay xở thế nào, một hôm đi họp thôn, tôi nghe cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền về chủ trương cho HSSV nghèo vay vốn ưu đãi của Nhà nước, tôi mừng đến phát khóc vì con mình đã có tiền đi học. Hôm sau, tôi làm các thủ tục theo hướng dẫn và đã được bình xét là đối tượng được vay vốn theo chương trình. Với số tiền cho vay lúc đó là 4,5 triệu đồng/kỳ, đến nay cháu đã học năm thứ 5 và còn một năm nữa là ra trường”. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đác Nia Nguyễn Đắc Hoàng cho biết: Ngay sau khi chương trình tín dụng đối với HSSV nghèo được triển khai, Hội Nông dân xã phối hợp với các tổ tín dụng tuyên truyền đến đông đảo hội viên và người dân trên địa bàn; đồng thời tiến hành bình xét công khai, dân chủ, đúng quy định của Nhà nước nên đã tránh được tình trạng cho vay sai đối tượng… Nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào DTTS đã có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Theo ông Bùi Đăng Khoa thì kể từ khi chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai, nguồn vốn của ngân hàng luôn đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Chẳng hạn như trong năm 2011, riêng chương trình này, chi nhánh được cấp 71,5 tỷ đồng để cho HSSV vay, nhưng đến cuối năm chỉ giải ngân hết 45 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại chuyển sang năm 2012 tiếp tục cho vay.
Tuy nhiên, thực tế ở cơ sở đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm đối với chương trình tín dụng HSSV. Đó là việc cho vay cần phải thực hiện thông qua hộ gia đình (hộ nghèo) để việc sử dụng nguồn vốn hợp lý và đúng mục đích; đồng thời việc thu hồi vốn sau này cũng thuận lợi hơn. Bởi thời gian đầu, khi triển khai chương trình này, một số địa phương cho vay trực tiếp đối với HSSV cho nên ngoài việc sử dụng vốn chưa hợp lý, một số HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường, không trở về địa phương mà tìm việc làm nơi khác, làm cho công tác thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số trường hợp không thu hồi được. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì các HSSV vay vốn sau khi tốt nghiệp ra trường được ân hạn một năm, bốn năm sau đó phải trả nợ tiền vay cho ngân hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh cũng như sinh viên thì sau khi tốt nghiệp ra trường, vấn đề tìm việc làm gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Đối với những trường hợp thuận lợi sau khi tốt nghiệp ra trường xin được việc làm ngay thì việc trả nợ cho ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, bởi trong những năm đầu sinh viên mới ra trường đồng lương còn thấp, thậm chí tiền lương còn không đủ sinh hoạt, trong khi còn phải phụ giúp gia đình, lo mua sắm phương tiện đi lại, ổn định nơi ăn, chốn ở… Từ thực tế đó, nhiều phụ huynh và sinh viên đề xuất nên chăng Chính phủ cho kéo dài thời gian trả nợ cho ngân hàng so với quy định hiện nay, hoặc có thể giảm lãi suất thấp hơn để mọi HSSV nghèo an tâm học tập và trả nợ sau này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()