Tiếp sức cho học sinh nghèo
Đại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh trao học bổng cho học sinh nghèo xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. |
Chăm lo cho học sinh nghèo là mối quan tâm hàng đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo của đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội TP Hồ Chí Minh. Cùng với việc xây tặng nhà tình thương, trợ vốn làm ăn, giới thiệu việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế… tặng học bổng cho con em hộ nghèo học chữ, học nghề là sự đầu tư cơ bản, mang đậm nét nhân văn giúp bà con thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững nhất. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, ngay từ năm 2000, một trong các nội dung quan trọng mà đoàn cán bộ thành phố khảo sát các phường, xã nghèo là thực trạng trường lớp, tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu học tập của con em các gia đình nghèo… Từ đó làm cơ sở để lập phương án trợ giúp, kiên quyết không để tình trạng học sinh vì nghèo mà không được đi học. Từ thời điểm này, quỹ học bổng mang tên Nguyễn Hữu Thọ do MTTQ quản lý, dành riêng cho học sinh, sinh viên con em các gia đình nghèo được thành lập. Qua hơn 11 năm hoạt động, MTTQ các cấp trong thành phố đã trao 345.172 suất học bổng với tổng số tiền 156 tỷ 658 triệu đồng; 8.431 chiếc xe đạp cho học sinh, sinh viên nghèo. Hơn 345 nghìn suất học bổng được trao đồng nghĩa với việc hơn 345 nghìn lượt học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng lại tiếp tục được cắp sách tới trường, tìm kiếm tương lai thoát nghèo bền vững.
Nhận số tiền hai triệu đồng đúng vào ngày chuẩn bị bước vào năm học mới, em Trần Thị Thanh Trúc, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh xúc động: “Em vừa nhận giấy báo đỗ vào Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Có khoản tiền này, ước mơ trở thành cô giáo của em đã nhìn thấy trước mặt rồi. Cảm ơn Đảng, chính quyền, MTTQ đã giúp em thực hiện được ước mơ”. Hoàn cảnh gia đình của Thanh Trúc khá vất vả. Tuy ở nông thôn, nhưng gia đình em không có ruộng, ba mẹ phải làm thuê, trang trải cho cả hai chị em đi học. “Hôm nhận giấy báo trúng tuyển, cả gia đình vừa mừng vừa lo. Tiền đâu trang trải chi phí đầu năm học? Bây giờ có học bổng, nỗi lo đã vơi đi một phần lớn rồi”. Thanh Trúc nói thêm: “Học bổng Nguyễn Hữu Thọ như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để em phấn đấu, cố gắng hết mình, không vì khó khăn mà bỏ dở học tập”. Đưa con đi nhận học bổng, ông Đoàn Văn Tư, cha của học sinh Đoàn Hoàng Trung bày tỏ: “Nhờ được cấp học bổng, con em các hộ nghèo trong xã đều được đi học, bản thân chúng tôi cũng yên tâm làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình, không còn canh cánh nỗi lo có tiền mua tập vở, sách giáo khoa, quần áo cho con mỗi khi bước vào năm học mới”. Đa Phước là một trong 15 phường, xã nghèo trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh. Toàn xã có 3.861 hộ dân, đến nay vẫn còn 737 hộ nghèo với mức thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm qua, học sinh nghèo ở Đa Phước luôn được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ do Ban vận động “Vì người nghèo” thành phố trao tặng. Năm học 2011 – 2012 có 181 học sinh nghèo trong xã được nhận học bổng. Năm học này có 205 em, trong đó 21 em đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Kết thúc năm học 2011 – 2012, 17,8% số em nhận học bổng là học sinh giỏi, 40,31% là học sinh khá. Số học sinh học lực yếu chỉ 3,4%. Đặc biệt, 100% số học sinh nghèo tốt nghiệp THPT, hơn 20 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Vui mừng về kết quả học tập của các em và hiệu quả trợ giúp, đồng chí Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Từ ngày học bổng Nguyễn Hữu Thọ được triển khai, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do không đủ tiền ăn học cơ bản được chấm dứt. Ở các phường, xã nghèo trọng điểm, mỗi năm có hàng chục học sinh nghèo thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng đã trở thành chuyện bình thường”. Tốt nghiệp THPT, những em còn lại cũng dễ dàng chuyển hướng học nghề hoặc xin việc làm trong các công ty, xí nghiệp ở địa phương… Có việc làm, thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo trong thành phố giảm dần. Tính đến tháng 10, toàn thành phố chỉ còn 3,76% số hộ nghèo. Năm 2001, thành phố có 20 phường, xã nghèo trọng điểm nay giảm xuống chỉ còn 15 phường, xã.
Là nguồn đầu tư cho tương lai, học bổng Nguyễn Hữu Thọ “theo bước” học sinh nghèo trong suốt quá trình học tập của các em. Trong hàng trăm nghìn trường hợp có nhiều em được nhận học bổng nhiều năm liền, từ tiểu học, trung học, đến những năm đại học. Em Đoàn Thị Hồng Gấm ở khu phố 1, phường Tân Thới Nhất, quận 12 là một thí dụ. Gia đình Hồng Gấm trong diện “xóa đói, giảm nghèo”, năm 2005 khi còn học lớp 7, em được nhận học bổng. Không phụ lòng cha mẹ, và nhất là không muốn để các cô, các chú trong ban vận động “Vì người nghèo” thất vọng vì “đầu tư” không đúng chỗ, Hồng Gấm quyết tâm học thật giỏi. Nỗ lực hết mình, Hồng Gấm thi đỗ vào cả ba trường: Đại học Bách khoa, Đại học Mở và Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm. Hiện, Gấm đang là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục được nhận học bổng đến khi ra trường. Một trường hợp khác trưởng thành từ sự hỗ trợ của học bổng Nguyễn Hữu Thọ là Lê Minh Bình ở ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Năm 2006 khi đang là sinh viên năm thứ 2, Trường đại học Nông – Lâm thì ba và anh trai qua đời, mẹ lâm bệnh nặng, nhà nghèo, nguy cơ bỏ học thấy trước mắt. Ngay lúc khó khăn nhất, Bình được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ và những đồng tiền nghĩa tình đó không chỉ giúp Bình vượt qua khó khăn kinh tế mà còn là nguồn động viên to lớn giúp Bình cố gắng vươn lên. Ngay sau khi tốt nghiệp, Bình xin về công tác tại xã và nay là một trong những cán bộ năng nổ tham xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình.
Cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng, những suất học bổng mang tên Nguyễn Hữu Thọ của Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đang thật sự phát huy tác dụng trong việc trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó khăn đến trường, đạt thành tích cao trong học tập.
Ý kiến ()