Tiếp sức cho hộ nghèo
– Những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bình Gia, hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã Hồng Phong đã được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển các mô hình sản xuất. Qua đó, góp phần giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Người dân thôn Kim Liên, xã Hồng Phong sử dụng nguồn nguồn vốn vay ưu đãi phát triển trồng rừng
Những ngày cuối tháng 2/2023, chúng tôi có dịp đến thăm xã Hồng Phong, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng hồi, rừng mỡ xanh bạt ngàn được trồng hai bên sườn đồi. Những đồi trọc, đồi hoang trước kia đã được người dân phủ xanh bằng những cánh rừng.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm mô hình trồng hồi của gia đình anh Hoàng Văn Cương, thôn Kim Liên nhờ nguồn vốn ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo. Anh Cương chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đất đồi rừng lớn nhưng lại thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2018, được cán bộ xã tuyên truyền, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để chăm sóc 4 ha hồi sắp đến tuổi khai thác. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 4 tấn hoa hồi, thu nhập 160 triệu đồng/năm. Nhờ đầu tư hiệu quả, năm 2022, gia đình tôi thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, có vốn gia đình tôi tiếp tục trồng mới thêm 2 ha mỡ.
Không chỉ gia đình anh Cương, những năm qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn xã đã trồng và chăm sóc được 670 ha hồi, trong đó, 70% ha hồi đã đến tuổi thu hoạch (đây là xã có diện tích trồng hồi lớn thứ hai toàn huyện).
Ông Nông Minh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Phong là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Bình Gia, trước đây, do người dân chưa mạnh dạn vay vốn nên các mô hình sản xuất trên địa bàn xã có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập của người dân còn bấp bênh. Chính vì vậy, việc hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách để mở rộng sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của cấp ủy, chính quyền xã.
Để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình vay vốn đến người dân. Đồng thời, chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn về thủ tục để tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay sau khi giải ngân đúng mục đích, có hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong cho biết: Sau khi nguồn vốn được giải ngân, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ TK&VV thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Qua kiểm tra cho thấy các hộ đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích. Đến nay, dư nợ của hội trên địa bàn xã đạt 6,1 tỷ đồng với 114 hộ vay, tỷ lệ thu nợ, thu lãi luôn đạt trên 99%.
Bên cạnh đó, để giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, hằng năm, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở từ 2 đến 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật về trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình đang có hiệu quả tại xã như: trồng rừng, chăn nuôi…
Đến nay, Hồng Phong là xã có dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách lớn nhất toàn huyện với tổng dư nợ trên 28,5 tỷ đồng, với trên 480 hộ vay, tăng trên 1 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Từ năm 2018 đến nay, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 200 hộ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Theo đó, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 15,3%, giảm 37% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 34 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).
Ý kiến ()