Tiếp sức cho dòng chảy mỹ thuật chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc
Với phong cách sáng tác mới mẻ, cập nhật tính thời sự, thể hiện trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, điêu khắc…
21 tác phẩm mỹ thuật thu được từ năm đầu tiên, sau khi triển khai cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang (LLVT), Chiến tranh cách mạng (CTCM) giai đoạn 2021-2025, đã mang đến những tín hiệu đáng mừng.
Những hơi thở mới
Là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa, nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021-2025, cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài LLVT, CTCM được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam triển khai trong toàn quân và toàn quốc. Trung tá Bùi Thanh Tùng, Trợ lý Phòng trưng bày-Triển lãm của bảo tàng cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên kế hoạch cuộc vận động diễn ra tháng 5 phải lùi đến tháng 10-2021 mới được tổ chức; các hoạt động trại sáng tác, đi thực tế tại các đơn vị, địa bàn buộc phải tạm hoãn. Tuy nhiên, ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia của đông đảo các tác giả trong và ngoài quân đội.
Tác phẩm “Qua phà Long Đại”, sơn dầu của Ngân Chài. |
Theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, 21 tác phẩm của 21 tác giả được chọn trong năm đầu tiên phát động có chất lượng khá tốt, nội dung phong phú. Ở các tác phẩm ghi nhận sự tỉ mỉ, chỉn chu trong sự thể hiện; khắc họa những hình ảnh, những kỷ niệm một thời kháng chiến, ca ngợi tình cảm quân dân, tình cảm hậu phương người lính và những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống ngoại xâm. Đó là những tác phẩm như: “Sông Hồng những năm đánh Mỹ-1972” của họa sĩ Vũ An Chương; tranh khắc gỗ “Căn cứ rừng Sác” của họa sĩ Trịnh Bá Quát; “Khoảnh khắc” của họa sĩ Đào Hoa Vinh; “Hành quân dưới trăng” của họa sĩ Trịnh Ngọc Liên…
Bên cạnh đội ngũ tác giả có truyền thống nhiều năm gắn bó với đề tài mỹ thuật LLVT, CTCM kể trên, thì sự xuất hiện của khá nhiều tác giả mới, trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X không trải qua chiến tranh, nhiều tác giả là các giảng viên đang công tác tại các trường mỹ thuật, kiến trúc… đã mang đến những hơi thở mới cho đề tài tưởng chừng đã cũ. Đó là các tác phẩm nêu bật hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới, như: “Tâm dịch”, acrylic của Nguyễn Thị May; “Ngày thứ bảy 996”, acrylic của Mai Xuân Chung; “Trước giờ huấn luyện”, acrylic của Lê Thị Dung; “Giữa cơn sóng dữ”, acrylic của Đoàn Văn Thân; “Trăng trên đảo chìm”, acrylic của Đào Hoa Vinh… Nét nổi bật chính là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã được các họa sĩ phác họa trên nhiều góc nhìn, từ bảo vệ chủ quyền biển đảo, tuyến đầu chống dịch, cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân trong lũ lụt, quá trình huấn luyện tới những phút lãng mạn, nghỉ ngơi, thể thao giải trí trong ngày nghỉ cuối tuần.
Tiếp nối dòng chảy mỹ thuật đương đại
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, cùng với nền mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật về đề tài LLVT, CTCM có vai trò to lớn và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Nó góp phần cổ vũ, động viên nhân dân nói chung, LLVT nói riêng hăng hái thi đua. Trong dòng chảy phát triển của mỹ thuật hiện nay, đây vẫn là đề tài khó bởi lực lượng họa sĩ đương thời không có nhiều trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, đây vẫn là đề tài có sức hấp dẫn riêng mà bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng muốn khám phá, sáng tạo, góp phần cho sự phát triển phong phú của mỹ thuật nước nhà.
Là dòng tác phẩm khó kinh doanh, nên trong gần 20 năm trở lại đây, đề tài này gặp những khó khăn nhất định, bởi với người nghệ sĩ, sáng tạo nghệ thuật, thì đích cuối cùng vẫn là bán được tác phẩm. Nhưng mảng đề tài này kén người sưu tập, khó bán. “Ban tổ chức cuộc vận động giai đoạn sáng tác mới đã mở rộng phạm vi sáng tác; đối tượng tham gia không giới hạn trong hay ngoài quân đội, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp và khâu tổ chức có những đổi mới; gắn việc xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Chúng tôi hy vọng, cuộc vận động sẽ gặt hái được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao”, Trung tá Bùi Thanh Tùng cho hay.
Mở hướng phát triển trong những năm tiếp theo, Ban tổ chức cuộc vận động đã lên kế hoạch tổ chức các chuyến đi, tạo điều kiện cho họa sĩ thâm nhập thực tế cuộc sống bộ đội, trải nghiệm lịch sử tại các khu di tích nhằm tạo cảm hứng sáng tạo nghệ thuật; tổ chức các trại sáng tác theo hình thức tập trung và không tập trung ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và các cơ quan đơn vị, địa phương tổ chức các cuộc triển lãm mỹ thuật về đề tài này hằng năm. Trên cơ sở đó, chọn lọc để đầu tư trọng điểm tác phẩm có nội dung sâu sắc và hình thức đẹp để tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài LLVT, CTCM (dự kiến tổ chức vào cuối năm 2024), nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu xét giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2021-2025).
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()